Việt Nam phóng vệ tinh Micro Dragon vào cuối năm 2018
(Chinhphu.vn) - Vệ tinh Micro Dragon đã chế tạo thành công, đang chờ cơ quan chức năng của Nhật Bản cấp giấy phép an toàn để chuẩn bị phóng lên vũ trụ vào cuối năm nay.
Dự án vệ tinh của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Micro Dragon là vệ tinh quan sát Trái đất, có trọng lượng 50 kg, kích thước 50 x 50 x 50 cm. Sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Đồng thời, phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Vệ tinh Micro Dragon cũng sẽ thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái đất.
Micro Dragon được chế tạo bởi 36 kỹ sư người Việt, thuộc Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là đội ngũ kỹ sư theo học ngành công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Bắt tay vào chế tạo năm 2013, năm 2017, Micro Dragon hoàn thành và thử nghiệm thành công.
“Cơ quan chức năng Nhật Bản đang xem xét để cấp giấy phép an toàn cho vệ tinh Micro Dragon. Sau khi được cấp phép, tên lửa Epsilon (Nhật Bản) do công ty IHI Aerospace chế tạo sẽ mang theo vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam lên quỹ đạo”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết.
Micro Dragon là bước tiếp theo trong quá trình từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh của Việt Nam. Trước đó, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon (có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg). Vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo vào tháng 11/2013 và hoạt động thành công trên vũ trụ. Sau Micro Dragon, theo lộ trình, Việt Nam sẽ tiến tới chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, hai vệ tinh theo công nghệ radar tiên tiến với khối lượng khoảng 600 kg, gần 12 lần Micro Dragon, kích thước là 1,5 m x 1,5 m x 3 m, tồn tại trên vũ trụ 5 năm.
Theo Thu Cúc