Đà Nẵng hướng đến một thành phố công nghệ
(Chinhphu.vn) – Là đầu tàu của khu vực miền Trung, TP. Đà Nẵng đã và đang thực hiện nhiều chính sách để trở thành một địa chỉ đầu tư, kinh doanh đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước.
Giới thiệu khu CNTT tập trung đến các nhà đầu tư Nhật Bản tại Hội thảo Japan ICT Day.
Ảnh: VGP/Minh Trang
Tạo bước đột phá từ CNTT
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, với quyết tâm phải phát triển công nghiệp CNTT để tạo bước đột phá, tạo hướng đi mới, TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, phát triển hạ tầng CNTT đồng bộ và hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh để bắt kịp đà tăng trưởng của ngành.
Nhờ đó, ngành công nghiệp CNTT đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, doanh thu đạt tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm, trung bình từ 25-30%, năm 2014 đạt 15.244 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt đến 22.579 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu phần mềm cũng đạt được tốc độ tăng trưởng cao những năm gần đây: năm 2014 đạt 582,418 tỷ đồng, năm 2015 đạt 878,976 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2014.
Trong 7 năm liên tục, từ 2009-2015, Thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT.
“Từ những kết quả đạt được, TP. Đà Nẵng đúc kết và rút ra kinh nghiệm để CNTT phát triển trong những năm qua đó là sự kết hợp giữa các yếu tố như có tầm nhìn về xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới; có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công nghiệp CNTT; phát triển nguồn nhân lực CNTT dồi dào, có chất lượng và đầu tư hiệu quả cho hạ tầng công nghiệp CNTT”, ông Nguyễn Quang Thanh đánh giá.
Tuy nhiên, ngành CNTT của Đà Nẵng cũng còn một số vấn đề cần phải khắc phục. Hiện tại, Thành phố có khoảng 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT nhưng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính, hạn chế trong đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như thiết kế vi mạch ở mức sâu; phân tích dữ liệu, phần mềm bảo mật, hệ thống nhúng...
Doanh thu trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, tập trung chủ yếu vào mảng gia công chiếm 70% giá trị xuất khẩu; các sản phẩm đóng gói CNTT còn đơn giản; dịch vụ CNTT chủ yếu ở phần thuê hạ tầng truyền dẫn, đại lý cho các hãng phần mềm đóng gói…
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng vẫn còn thiếu, đặc biệt phát triển các khu CNTT triển khai còn chậm. Nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, chủ yếu là chưa đáp ứng về trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật), chương trình đào tạo còn dàn trải, thiếu các kỹ năng mềm về quản lý...
Chắp cánh cho các ý tưởng sáng tạo
Ông Nguyễn Quang Thanh cho biết cùng với những chính sách của Trung ương, TP. Đà Nẵng cũng ban hành riêng những chính sách của Thành phố đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất CNTT. Thành phố đã ban hành quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ thông tin tập trung; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm; tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư như các hội thảo thu hút đầu tư FDI lĩnh vực CNTT, ví dụ như Danang ICT Day vào tháng 9, Japan ICT Day vào tháng 10 vừa qua. Các hoạt động này đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đến tham gia, tìm hiểu môi trường đầu tư, hợp tác phát triển.
Thành phố hiện cũng đang đẩy mạnh các điều kiện để tập trung thu hút vào khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng, là một trong ba khu CNC cấp quốc gia của cả nước. Đến nay, đã triển khai đền bù giải tỏa với diện tích 392,43 ha, cơ bản hoàn thành công tác xây dựng khu giai đoạn 1 với 328 ha đất đầy đủ hạ tầng kỹ thuật: điện, nước, viễn thông... để tạo điều kiện cơ sở hạ tầng tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng, khi tham gia vào khu CNC cao, nhà đầu tư được hưởng những mức ưu đãi cao nhất của Chính phủ về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách hỗ trợ đầu tư như cung ứng dịch vụ công một cửa và hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao.
Tính đến nay, đã có hơn 150 đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc với Khu CNC Đà Nẵng, trong đó có hơn 130 đoàn khách nước ngoài. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư là 137,9 triệu USD, trong đó có 2 dự án FDI Nhật Bản đã đầu tư và đi vào hoạt động.
Bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư CNTT, TP. Đà Nẵng đã xây dựng vườn ươm doanh nghiệp (DNES).
DNES được thành lập vào tháng 12/2015 gồm 4 chức năng chính: Hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, hợp tác quốc tế và đầu tư khởi nghiệp.
Theo ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, DNES chú tâm vào việc tuyển chọn và ươm tạo, cũng như hợp tác ươm tạo các dự án khởi nghiệp đã qua tiền ươm tạo, đã có sản phẩm mẫu, mô hình kinh doanh hoàn chỉnh và kế hoạch kinh doanh khả thi, với những tiềm năng và đột phá lớn.
Tại DNES, các ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp sẽ được kết nối với các tổ chức khởi nghiệp quốc tế như Chương trình sáng kiến Mekong MBI của ngân hàng Phát triển châu Á, Chương trình đổi mới và sáng tạo Việt Nam-Phần Lan, các trường đại học, trung tâm ươm tạo, vườn ươm, quỹ đầu tư của nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Singapore, Nhật bản, Hàn Quốc...
Vừa qua, DNES đã ký hợp tác với Microsoft để hỗ trợ chương trình tăng tốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực miền Trung, hợp tác với Quỹ Lotus Impact để tổ chức chương trình ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lãnh đạo nữ. DNES cũng đang từng bước xây dựng mạng lưới nhà đầu tư và bắt đầu triển khai đầu tư vào chương trình ươm tạo khóa 2.
Qua gần 1 năm, DNES đã ươm tạo khóa 1 với 8 dự án, hầu hết các dự án có sử dụng công nghệ như Zody, Indanang, Nôi TOB, Minh Hồng… Tháng 10 vừa qua, DNES đã tuyển chọn thành công 9 dự án cho ươm tạo khóa 2 trong đó có 3 dự án CNTT, những dự án này đã đạt giải cao tại một số cuộc thi trong nước và quốc tế, đồng thời những lợi ích thiết thực các dự án áp dụng vào thực tế được đánh giá mang lại hiệu quả rất cao.
Ông Lý Đình Quân cho biết, theo chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020 của Thành phố, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, dự kiến cuối năm 2016 chính sách được phê duyệt, đây sẽ là hành lang pháp lý toàn diện và hấp dẫn nhất cho cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng. Đến năm 2017-2018, không những doanh nghiệp mà các bạn học sinh, sinh viên có thể tận dụng hành lang này để phát triển các dự án khởi nghiệp của mình.
Đối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, Thành phố có chủ trương hỗ trợ xây dựng các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cử chuyên gia tư vấn, tham gia các sự kiện và hỗ trợ tư vấn các dự án khởi nghiệp.
Theo Minh Trang/Chinhphu.vn