ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - “CHÌA KHÓA” NÂNG CHẤT LƯỢNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Cùng với quá trình đổi mới, sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, chuyển giao ứng dụng và phát huy lợi thế khoa học và công nghệ (KH&CN) góp phần mang lại giá trị trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, thực phẩm. Đây là hướng đi tất yếu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tăng giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
*Hiệu quả tích cực
Giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp cơ bản thực hiện đạt kết quả khá toàn diện các mục tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế với mức tăng trưởng GDP bình quân của ngành đạt 3,13%. Xuất khẩu trong giai đoạn này có những bứt phá mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9%/năm, từ 19,5 tỉ USD năm 2010 lên 30,14 tỉ USD năm 2015. Đến nay, đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD là gạo, cao su, cà phê, cá tra, tôm, hạt điều… Trong đó, xuất khẩu gạo, hàng nông - thủy sản đạt tới mức 30 tỉ USD/năm, chiếm khoảng trên 10% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp.
Đại diện BIDV ký kết với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tài trợ 5 tỉ đồng nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp cho vùng ĐBSCL.
Vùng ĐBSCL với cây lúa là cây trồng chủ lực. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện mô hình liên kết, ứng dụng KH&CN trong sản xuất có hiệu quả, đưa thương hiệu gạo Việt Nam vươn ra thế giới. Điển hình, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất quy mô hàng trăm ngàn héc-ta lúa với đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư nông nghiệp và 2 viện nghiên cứu nằm trong doanh nghiệp. Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, tổng diện tích đạt gần 8.000ha… Với thuận lợi là nơi tập trung nhiều đơn vị nghiên cứu KH&CN, thời gian qua, TP Cần Thơ xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: mô hình cung ứng lúa giống nguyên chủng với quy mô 80ha; vùng sản xuất lúa hàng hóa theo quy trình VietGAP quy mô 63ha; mô hình sản xuất rau an toàn và đã hình thành vùng rau an toàn với diện tích canh tác trên 300ha; mô hình ứng dụng KH&CN sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp…
Trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn ngày càng khốc liệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ để giảm thiểu thiệt hại cho cây ăn trái; lai tạo những giống cây chịu hạn, mặn là rất cấp bách. TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Giai đoạn 2013-2015, nhiều giống mới lai tạo và biện pháp, quy trình tiến bộ kỹ thuật đã được Viện chuyển giao cho sản xuất cây ăn trái, rau và hoa ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Chẳng hạn, giống ớt cay F1 Long Định 3, cam sành không hạt LĐ6 khoảng 9ha và 16.000 cây giống, giống hoa nuôi cấy mô (hoa cúc, đồng tiền, dạ thảo, hoa chuông) 50.000 cây/năm, thanh long ruột đỏ Long Định, giống dưa leo lai LĐ7... Bên cạnh đó, Viện đã tư vấn, hướng dẫn và trực tiếp xây dựng hơn 400ha mô hình sản xuất cây ăn quả đạt chứng nhận VietGAP, như: chanh, chôm chôm, xoài, nhãn, bưởi, cam sành… tại Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh. Từ năm 2015, Viện phối hợp Tập đoàn Lộc Trời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long, tổ hợp tác/hợp tác xã liên kết sản xuất bưởi an toàn và tiêu thụ sản phẩm cho 300ha bưởi…
Trong lĩnh vực thủy sản, những năm gần đây các doanh nghiệp vùng ĐBSCL quan tâm nhiều hơn đến ứng dụng KH&CN nâng cao chất lượng sản phẩm chinh phục những thị trường khó tính. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông với sản phẩm cá tra chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tôm xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công ty đầu tư vào mở rộng ao nuôi và các nhà máy chế biến thức ăn cho cá, sản xuất và nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Việc này giúp công ty đảm bảo được chất lượng sản phẩm đầu vào và đầu ra do đã kiểm soát được nguồn nguyên liệu tươi. Xu hướng phát triển của ngành tôm thế giới cũng đi theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm đạt hiệu quả về năng suất và chất lượng. Tập đoàn Việt - Úc hiện sở hữu rất nhiều công nghệ cao trong ngành thủy sản, bao gồm: quy trình nuôi hoàn toàn bằng vi sinh, hệ thống ao lắng nước biển, hệ thống xử lý nước tuần hoàn, hệ thống lọc nước tự động bằng tia cực tím,... Tập đoàn Việt – Úc cũng đang triển khai dự án tôm thương phẩm nuôi trong hệ thống nhà kính theo công nghệ Israel, giúp đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu gắt gao của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Ưu điểm mô hình này là các rủi ro về thời tiết là rất thấp, quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh và có khả năng truy xuất nguồn gốc cùng với mật độ thả nuôi cao là các điểm mạnh vượt trội. Hiện Tập đoàn Việt - Úc mở rộng mạng lưới đến các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu và đang triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại Bạc Liêu với quy mô 50ha và sắp tới là 300ha, dự kiến đến năm 2018 sẽ đạt 1.000ha.
*Tăng cường ứng dụng KH&CN
Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định , tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Đó là: tổ chức sản xuất nông nghiệp không đồng bộ; giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao; KH&CN chưa phát huy vai trò là động lực; sự gắn kết giữa KH&CN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, các doanh nhgiệp chưa tham gia tích cực vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH&CN và chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp… Theo bà Võ Thị Trâm, Vụ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên do tổ chức kinh tế hộ là lực cản cho quá trình đầu tư ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp; sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững. Các chính sách cụ thể phục vụ cho phát triển KH&CN chưa thật sự đồng bộ, khó thực hiện và đi vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, cơ chế tài chính cho nghiên cứu KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách còn nhiều thủ tục rườm rà dẫn đến tâm lý e ngại tham gia của doanh nghiệp… Do vậy, cần cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách về hợp tác công tư, liên kết tổ chức KH&CN với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao KH&CN hiện có, tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN.
TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho rằng: Cần đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế chính sách, KH&CN mới, mô hình hiệu quả, lợi ích của liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư giống mới; thuế ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, đóng gói, chế biến. Ngoài việc thực hiện theo chính sách khuyến khích chung của Chính phủ, các địa phương cũng sẽ có những chính sách riêng, đặc thù về ưu đãi trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Ban Kinh tế Trung ương, đề xuất: Cần nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là chọn tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng trừ dịch, bệnh; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển KH&CN trong nông nghiệp; hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao có đủ sức lan tỏa trong vùng, tạo động lực thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ cho xuất khẩu; xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia…
Theo T. Trinh/Báo điện tử Cần Thơ