Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 Học sinh không nên quá lo với đề thi minh họa
Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố đề thi minh họa các môn thi THPT Quốc gia năm 2018. Về cơ bản, phương thức tổ chức các bài thi, môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 vẫn giữ ổn định như năm 2017. Thời lượng và số lượng các câu hỏi trong đề thi không thay đổi. Tuy nhiên, mức độ kiểm tra kiến thức ở các môn thi sẽ bao phủ rộng hơn, bao gồm cả chương trình lớp 11 và lớp 12. Điều này làm cho không ít giáo viên và học sinh tỏ ra lo lắng về nội dung của các đề thi năm nay.
Tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Thủ Khoa Huân nỗ lực phấn đấu để có kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Thầy Võ Hoài Nhân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) nhận định, đề thi minh họa các môn khoa học tự nhiên năm nay rất hay, phân loại tốt thí sinh. So với đề thi THPT Quốc gia năm 2017, đề thi minh họa năm 2018 có độ khó hơn hẳn. Ở mỗi môn, các câu hỏi trong đề thi được bố trí nhằm kiểm tra học sinh ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể, đề thi môn Toán được sắp xếp từ dễ đến khó. Đề có 30% câu hỏi nằm trong chương trình học lớp 11, phần này không khó. Riêng 70% câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12 là tương đối khó. 30 câu đầu của đề thi, học sinh trung bình có thể làm được bài. 20 câu sau, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức và chỉ có những học sinh thật sự có học lực khá, giỏi mới có thể làm được. Với đề thi này, để đạt được điểm 5 là rất dễ nhưng để đạt được điểm 9, điểm 10 thì rất khó nên học sinh phải cố gắng rất nhiều.
Còn theo cô Nguyễn Thị Kim Uyên, giáo viên dạy môn Vật lý của trường, nếu đề thi năm nay giống như cấu trúc đề thi minh họa thì học sinh học tập, ôn thi sẽ rất vất vả, bởi kiến thức bao quát cả hai khối lớp 11 và 12. Với kiến thức rộng và mức độ khó, dự báo học sinh làm bài sẽ rất hiếm đạt được điểm 9, điểm 10. Giáo viên hiện vẫn chưa thể hướng dẫn cho học sinh giải đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, vì có một vài câu hỏi các em chưa được học tới.
Đề thi thuộc tổ hợp các môn khoa học xã hội cũng được nhiều giáo viên đánh giá hay, có sáng tạo, giúp học sinh phát triển tư duy, đáp ứng được 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Riêng đối với đề thi minh họa môn Ngữ văn, yêu cầu học sinh không những nắm chắc kiến thức chương trình lớp 11 và lớp 12 mà còn phải có kỹ năng tổng hợp, so sánh và liên hệ thực tế để giải quyết vấn đề.
Trường THPT Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo) có 370 học sinh khối lớp 12. Qua khảo sát cuối học kỳ I vừa qua, trường có 250 học sinh chọn dự thi bài thi khoa học tự nhiên và 120 học sinh chọn dự thi bài thi khoa học xã hội. Cô Nguyễn Thị Kim Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại, trường vẫn tổ chức cho học sinh học bình thường theo quy định, không cắt xén chương trình. Bên cạnh giờ học chính khóa trên lớp, trường còn tổ chức các lớp ôn tập cho học sinh ngoài giờ, để các em hệ thống hóa kiến thức, giải các bài tập”.
Sau khi kết thúc chương trình học kỳ I, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch chuẩn bị ôn thi THPT Quốc gia cho học sinh. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018, Sở đã tiến hành họp mạng lưới chuyên môn các giáo viên ở các trường THPT để phân tích đề thi minh họa các môn thi THPT Quốc gia năm 2018 của Bộ GD-ĐT vừa công bố và lên kế hoạch ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. “Đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT chỉ là cơ sở để giáo viên và học sinh tham khảo. Do đó, học sinh không nên quá lo lắng mà các em nên có phương pháp học tập và kế hoạch ôn thi để vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới một cách tốt nhất” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết.
Theo Đ. PHI/ www.baoapbac.vn