Giới hiệu hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh thế hệ mới
(Chinhphu.vn) – Hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh Vietnam DataCube sẽ giúp giảm thiểu thời gian và kiến thức chuyên môn cần thiết để sử dụng dữ liệu vệ tinh; hỗ trợ các ứng dụng thay đổi lớp phủ, rừng, hiện trạng sử dụng đất; sử dụng nhiều bộ dữ liệu vệ tinh với nhau.
Những dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất của Vietnam DataCube sẽ được chia sẻ miễn phí.
Ảnh minh họa
Ngày 6/3 tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giới thiệu hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh Vietnam DataCube. Đây cũng là dịp quan trọng ra mắt hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí (hệ thống Vietnam DataCube) cho các cơ quan ứng dụng Việt Nam.
Hệ thống Vietnam DataCube được hình thành và phát triển dựa trên sự hội nhập và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với các đối tác chính là Australia (CSIRO - Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung), Hoa Kỳ (USGS – Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Công ty IMSG), Nhật Bản (JAXA – Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản), Pháp (CNES – Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp).
Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn, hệ thống Vietnam DataCube được phát triển nhằm đem tới cho người dùng dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất ở Việt Nam một cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh. Đây cũng là công cụ khai thác miễn phí có khả năng: Giảm thiểu thời gian và kiến thức chuyên môn cần thiết để sử dụng dữ liệu vệ tinh; phân tích chuỗi thời gian hiệu quả để hỗ trợ các ứng dụng thay đổi lớp phủ, rừng, hiện trạng sử dụng đất; sử dụng nhiều bộ dữ liệu vệ tinh với nhau; hỗ trợ khách hàng và hỗ trợ người dùng Việt Nam....
Đồng thời, Vietnam DataCube cũng hướng tới tầm nhìn là nâng cao năng lực của người dùng để ứng dụng dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất tại Việt Nam, qua đó đóng góp vào các chương trình ưu tiên toàn cầu, như các chương trình trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN-SDG) và các Thỏa thuận Paris và Sendai.
Hiện nay, dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất đã và đang được sử dụng không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong thực tế phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Các ứng dụng của dữ liệu vệ tinh có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng về môi trường, kinh tế và xã hội ở cấp độ địa phương, khu vực và trên toàn cầu.
Thực tế cho thấy, các thế hệ vệ tinh quan sát Trái đất mới đang cung cấp lượng dữ liệu ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và như vậy đối với nhiều ứng dụng, thách thức không còn nằm ở việc thiếu dữ liệu mà là việc làm sao kết nối được giữa dữ liệu, ứng dụng và người dùng. Các thiết bị tính toán, công nghệ và cấu trúc dữ liệu mới, như DataCube, có thể giúp việc quản lý và phân tích dữ liệu đương đầu với những thách thức nảy sinh từ khối lượng dữ liệu mở và miễn phí khổng lồ.
Một giải pháp như DataCube hoàn toàn có thể giúp các nhà cung cấp hợp lý hóa việc phân phối và quản lý dữ liệu, đồng thời làm giảm bớt các rào cản kỹ thuật cho người dùng, hơn nữa cũng làm giảm bớt nhiều chi phí so với các phương pháp truyền thống, giúp người dùng khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu vệ tinh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo giới thiệu về DataCube và các ứng dụng cụ thể tại các quốc gia trên thế giới; giới thiệu về Vietnam DataCube với công tác phục vụ giám sát rừng, lúa và nước; nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám vệ tinh cho lưu vực sông Mê Kông cũng như nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám vệ tinh tại Viện điều tra quy hoạch rừng (FIPI)…
Các báo cáo của đại biểu quốc tế và các chia sẻ của đại biểu Việt Nam đều khẳng định hệ thống Vietnam DataCube sẽ không chỉ là một địa chỉ tin cậy chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí cho người sử dụng Việt Nam mà còn là một công cụ hữu dụng với khả năng phân tích mạnh, giúp thực hiện các ứng dụng ảnh vệ tinh ở Việt Nam được dễ dàng hơn.
Theo Thu Cúc