Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu


(Chinhphu.vn) - Ngày 25/10, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu”.


Giao lưu trực tuyến “Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu”. Ảnh: VGP/Nhật Nam

 

Các chuyên gia, khách mời tham dự buổi tọa đàm đều cùng chung ý kiến về vấn đề tự chủ đại học, là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia. Trong đó đối với nước ta, cũng có thể coi đây là “gốc rễ” của đổi mới lĩnh vực rất quan trọng này, bởi vì, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
         Đến thời điểm này, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho thí điểm tự chủ. Sau 3 năm (2014-2017), mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận. Các trường đại học đã chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội; phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế. Số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt, số lượng các công trình được công bố của các trường tự chủ từ 2013-2016 nhìn chung tăng lên đáng kể.
         Cùng với đó, các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường. Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tăng, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống...
Về tài chính, tổng thu giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Cùng với việc tăng học phí, các trường đã thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đối với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với người học, có những thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách.
            Tuy nhiên, theo TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, sau hơn 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ đại học, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã bộc lộ cần được tháo gỡ trước khi cơ chế tự chủ chính thức được vận hành rộng rãi. Đó là: Thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; còn thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ Đại học; việc giao quyền tự chủ đối với giáo dục Đại học mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo. Hiện nay, vấn đề tổ chức quản trị tại các cơ sở giáo dục thí điểm vẫn còn nhiều tranh cãi…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, đối với giáo dục đại học, chúng ta đang hội nhập với thế giới. Trong quá trình đó, chúng ta nghiên cứu và tiếp thu một cách tốt nhất các kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Những kinh nghiệm của thế giới rất đa dạng nhưng tự chủ đại học là điều cốt lõi cho các cơ sở giáo dục phát triển. Vì các cơ sở giáo dục đại học là nơi truyền bá những kiến thức, sáng tạo, tri thức mới đòi hỏi các trường đại học sự tự chủ, chủ động sáng tạo ra tri thức mới. Như vậy, việc tự chủ đại học là nhu cầu rất quan trọng để phát triển.
           Tuy nhiên, để việc tự chủ thành công, phải tự chủ không chỉ trong cơ quan nhà nước mà trong nội bộ trường đại học, từ những người lãnh đạo quản lý đến các thầy cô, người học... tạo ra môi trường học thuật khoa học, phát huy tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của người học, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Đi liền với tự chủ là nâng cao chất lượng, kiểm định chất lượng, trách nhiệm giải trình và hỗ trợ các trường tự chủ để đạt mục tiêu sau cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Nhật Nam

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​