Lấy người học và việc học làm trung tâm
(Chinhphu.vn) - Để khắc phục tình trạng chương trình đào tạo thiếu thực tế, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, ngành giáo dục đang chuyển dần từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển. Theo đó, sẽ lấy người học, việc học là trung tâm, trang bị những thứ họ cần và thị trường lao động đang cần.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: VGP
Theo các chuyên gia, năm 2017 sẽ có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp và có hàng nghìn sinh viên ra trường làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Sự dư thừa về lao động có trình độ đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và kế hoạch đào tạo. Để tìm hiểu về nguyên nhân cũng như giải pháp cho tình trạng trên, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thưa bà, các chuyên gia dự báo năm 2017 sẽ có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Theo bà, đây là số liệu cho 1 năm hay là từ những năm trước cộng dồn lại? Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi chưa rõ là các chuyên gia dự báo căn cứ trên cơ sở nào. Nhưng chúng tôi được biết, bản tin cập nhật lao động công bố hằng quý là con số của những lao động có trình độ đại học trở lên trong độ tuổi lao động không có việc làm, chứ không phải là số sinh viên vừa ra trường.
Thực tế ngay cả những nước có trình độ đào tạo chất lượng cao thì sinh viên vẫn có thể không có việc làm. Việc làm của sinh viên không phải do cơ sở đào tạo quyết định mà phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế và cả sự biến động của nền kinh tế thế giới.
Thêm nữa, ngành giáo dục đào tạo cũng đã duy trì quá lâu mục tiêu phấn đấu đạt được 450 sinh viên/1 vạn dân để bằng với tỉ lệ của các nước trong khu vực. Với chỉ tiêu này, đã có nhiều trường đại học được mở ra, quy mô tuyển sinh tăng cao nhưng điều kiện đầu tư cho chất lượng chưa được bảo đảm tương xứng, một số trường đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đối với sinh viên, chưa được trang bị kỹ năng khởi nghiệp. Do đó, phần lớn sinh viên có tư duy ra trường sẽ xin việc ở nơi này nơi kia, chứ không có tư duy tự tạo việc làm cho mình và cho người khác. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn yếu cũng là một khó khăn khiến sinh viên khó kiếm việc làm trong thời kỳ hội nhập.
Đối với các trường, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh. Trong thời gian tới có thể có rất nhiều máy móc tự động, robot sẽ thay sức người trên cơ sở kết nối vạn vật qua Internet. Tuy vậy, nhiều trường vẫn xây dựng chương trình theo hướng đơn ngành chi tiết mà không hướng tới trang bị các kiến thức về các nguyên lý cơ bản của ngành học.
Đối với quản lý đào tạo, chương trình chậm đổi mới và có một thời gian dài chúng ta cũng chưa xây dựng được khung đào tạo chương trình quốc gia để các trường xây dựng chuẩn đầu ra theo mặt bằng khu vực giúp sinh viên Việt Nam ra trường có tính cạnh tranh. Chúng ta cũng chậm kiểm định, chậm xếp hạng các chương trình đào tạo của các trường nên tính cạnh tranh trong đào tạo không cao.
Trước khi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, tại nhiều nước, ngành lao động thường có điều tra khảo sát nhu cầu việc làm sau đó sẽ phối hợp với ngành giáo dục để xác định nhu cầu đào tạo. Vậy ở Việt Nam, quy trình này được tiến hành như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Ở các nước phát triển có thể điều tra khảo sát nhu cầu của thị trường trên cơ sở chức năng của một cơ quan Nhà nước. Cũng có thể do những tổ chức độc lập thực hiện và khi có kết quả rồi, ngành giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào đó để xây dựng chương trình, xác định quy mô đào tạo và quy định tuyển sinh hằng năm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành giáo dục chưa nhận được sự hỗ trợ như vậy. Trong phạm vi quản lý của mình, chúng tôi cũng đã giao cho các trường khi xây dựng chương trình phải điều tra khảo sát nhu cầu của thị trường đối với ngành của mình định mở. Khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng phải cân đối quy mô đào tạo của các ngành nghề, cũng như nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường để xác định quy mô đào tạo tuyển sinh phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên trên thực tế, chúng tôi thấy nếu như để từng trường làm thì hiệu quả không cao do các trường không có nhân lực đào tạo bài bản, cũng không có nguồn lực tài chính để điều tra khảo sát trên một diện rộng. Nếu có cơ quan chuyên nghiệp, tổ chức nghiên cứu, khảo sát độc lập thì ngành chúng tôi sẽ có kế hoạch tốt hơn, các cơ sở đào tạo sẽ có một chỗ dựa tốt hơn để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng như quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo.
Ngoài vấn đề thiếu dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực, các chuyên gia cũng cho rằng chương trình đào tạo đại học chậm đổi mới, không đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Vậy tới đây, việc quy hoạch chương trình giáo dục đại học sẽ theo hướng tiếp cận như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng tôi đồng ý với các ý kiến của chuyên gia. Việc tiếp cận chương trình giáo dục đại học sẽ theo 3 hướng nội dung, mục tiêu và phát triển.
Chúng ta đang chuyển dần từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển. Theo hướng tiếp cận này, quá trình đào tạo là một quá trình phát triển và chương trình đào tạo là bản thiết kế tổng thể cho sự phát triển đó.
Theo đó, chương trình đào tạo phải bao gồm tất cả nội dung đào tạo, phương pháp, quy trình giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá… hay cách khác là chuẩn đầu ra. Như vậy phương pháp xây dựng chương trình cũng như cách tiếp cận đều phải thay đổi. Hiện nay Luật Giáo dục đại học, Nghị quyết 29 cũng đã chỉ rõ cách tiếp cận này và đó cũng là xu hướng chung trên thế giới.
Để thực hiện cách tiếp cận này, chúng ta sẽ phải chuyển từ việc lấy người giảng làm trung tâm sang cách tiếp cận lấy người học và cao hơn nữa, lấy việc học làm trung tâm. Chúng ta phải trang bị cho người học những gì họ cần, nhưng cũng phải trang bị cho họ những gì mà thị trường lao động đang cần.
Với những yêu cầu từ cách tiếp cận, chúng tôi giao cho các trường tự chủ xây dựng đổi mới chương trình, nhập khẩu các chương trình tiên tiến, hợp tác song phương với các trường có thứ hạng cao để cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành đào tạo trong xây dựng chương trình. Sắp tới chúng tôi có chủ trương đào tạo văn bằng 2 cho những lao động đã được đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm. Đơn cử như đào tạo văn bằng 2, chú trọng ngành công nghệ thông tin là ngành mà có nhu cầu sử dụng cao trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà!
Theo Minh Thắm/Chinhphu.vn