Phản hồi của Bộ GD&ĐT về đề thi tham khảo môn Địa lí
(Chinhphu.vn) – Tổ xây dựng đề thi tham khảo môn Địa lí (Bộ GD&ĐT) vừa phản hồi về những vấn đề bị cho là sai sót trong đề thi tham khảo THPT quốc gia môn Địa lí năm 2017 của Bộ GD&ĐT.
1/ Về phản ánh “Sai kiến thức cơ bản”
Câu 44. Quốc lộ 1 bắt đầu từ tỉnh Lạng̣ Sơn và kết thúc ở
A. Cần Thơ; B. Kiên Giang; C. Cà Mau; D. Thành phố Hồ Chí Minh.
Nước ta không có quốc lộ 1 mà chỉ có quốc lộ 1A; quốc lộ 1B; quốc lộ 1K... Vậy không có đáp án nào đúng cả.
Phản hồi: Đáp án C là đúng. Vì: SGK trang 131 NXB Giáo dục Việt Nam trang 131 và trong Atlat Địa lí Việt Nam do NXB Việt Nam phát hành từ năm 2009 đến nay viết: Quốc lộ 1 chạy suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn đến Năm Căn, Cà Mau dài 2.300 km).
- Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay một số cơ quan hành chính vẫn sử dụng tên quốc lộ 1A theo thói quen do sợ nhầm lẫn với các quốc lộ 1B, 1C hay 1K. Tuy nhiên tên gọi chính thức vẫn là “quốc lộ 1” do Bộ Giao thông vận tải quy định có điểm đầu ở biên giới phía bắc (giáp Trung Quốc) và điểm cuối thuộc Cà Mau.
- Trên thực tế, tại văn bản pháp lý thì không có quốc lộ 1A mà chỉ có quốc lộ 1 (tham khảo Hướng dẫn và Thông tin chung về hệ thống quốc lộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 3937/QĐ-TCĐBVN ngày 1 tháng 12 năm 2015 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố khổ giới hạn các tuyến đường quốc lộ). Quốc lộ 1 bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và kết thúc Cà Mau.
Câu 52. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, cho biết hệ thống sông nào sau đây nằm cả ở phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam nước ta?
A. Đồng Nai. B. Cả. C. Thu Bồn. D. Mê Công.
Phản ánh: “Tôi dạy Địa lí trên 30 năm nhưng không thể trả lời được câu hỏi này. Chẳng lẽ nước ta có hệ thống sông chảy từ miền Bắc xuống tận miền Nam”?
Phản hồi: Đề yêu cầu xem Atlat Địa lí Việt Nam trang 10. Trên trang này, hệ thống sông Mê Công nằm ở cả hai phần lãnh thổ phía bắc và phía nam nước ta.
Mặt khác, câu hỏi này nhằm đánh giá kỹ năng đọc Atlat Địa lí Việt Nam của học sinh. Phần lãnh thổ phía bắc và phía nam có giới hạn là dãy núi Bạch Mã. Đọc trên Atlat sẽ thấy đáp án đúng chỉ có sông Mê Công. Xét trên thực tế có sông Xê Công, Xê Bang Hiêng (thuộc Lào) có lưu vực ở Việt Nam, phần phía lãnh thổ phía bắc (thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) chảy qua Lào và nhập nước vào sông Mê Công. Vì vậy, xét về nội dung câu này không sai.
2/Về phán ánh: “Không bám sát thực tế”
Câu 55. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân sốtrên 1 triệu người?
A. TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. B. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.
C. Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội. D. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.
Số dân Đà Nẵng năm 2015 đã trên một triệu, Hải Phòng trên 2 triệu, còn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì khỏi phải nói. Vậy đáp án nào đúng?
Đã sử dụng số liệu để hỏi học sinh thì số liệu cần bám sát thực tế. Học sinh Đà Nẵng sẽ lúng túng với câu hỏi này.
Phản hồi: Câu hỏi này với mục đích đánh giá kỹ năng đọc Atlat Địa lí Việt Nam nên không có gì sai (lời dẫn của câu hỏi là: “Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 15”). Trong Atlat đại lý Việt Nam có kí hiệu các thành phố có số dân trên 1 triệu người là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng với năm thống kê 2007. Đến nay đã có thay đổi, tuy nhiên cả SGK và Atlat Địa lí Việt Nam chưa cập nhật kịp thời.
3/Về phản ánh “Phương án nhiễu vô duyên”
Câu 42. Khu vực nào sau đây ở nước ta có động đất mạnh nhất?
A. Nam Bộ. B.Miền Trung. C. Tây Bắc. D. Đông Bắc.
Nước ta không có khu miền Trung mà chỉ có khu Bắc Trung Bộ; khu duyên hải Nam Trung Bộ. Mặc dù phương án B là sai nhưng với đề thi trắc nghiệm quốc gia không nên dùng phương án “nhiễu vô duyên”. Loại phương án nhiễu vô duyên chỉ dành cho chương trình “Ai là triệu phú”.
Phản hồi: Đây là một câu hỏi ở cấp độ dễ nhất, việc phương án nhiễu “lộ liễu quá”cũng không quá lo ngại. Đối với học sinh trung bình, học sinh yếu cũng phải có những câu hỏi thuộc cấp độ dễ để đánh giá năng lực của người học từ thấp đến cao. Cũng nên chú ý việc phân cấp, phân vùng, phân vị, hệ thống trong địa lí và sử dụng thuật ngữ trong câu hỏi này cần rút kinh nghiệm để hay hơn trong đề chính thức.
Hơn nữa, cần chú ý rằng, đề thi không dùng từ "khu" mà đề thi dùng từ "khu vực". Cách dùng từ này theo đúng sách giáo khoa Địa lí 12 (NXB Giáo dục Việt Nam). Xin trích nguyên văn câu trong SGK Địa lí 12 của NXB Giáo dục Việt Nam, trang 64, dòng 9 từ dưới lên: "Ở nước ta, Tây Bắc là khu vực có hoạt động động đất mạnh nhất, rồi đến khu vực Đông Bắc. Khu vực miền Trung ít động đất hơn, còn ở Nam Bộ động đất biểu hiện rất yếu".
SGK cùng với Atlat Địa lí Việt Nam hiện hành là tài liệu dạy và học môn Địa lí thống nhất trong cả nước. Do đó câu hỏi và đáp án thi về nguyên tắc phải phù hợp với các tài liệu này.
Bộ GD&ĐT cho rằng trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước ta phát triển nhanh chóng như hiện nay thì đương nhiên số liệu thống kê cũng thay đổi liên tục. Đôi khi SGK chưa cập nhật kịp số liệu thực tế.
Bên cạnh đó, đây chỉ là đề thi tham khảo để thí sinh biết định dạng đề thi nhằm giúp thí sinh hình dung được cách sử dụng những kiến thức có sẵn trong SGK và Atlat Địa lí để tìm ra đáp án cho một câu hỏi.
Liên quan đến đề thi, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - đại diện Ban xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa cho biết đây là lần công bố đề thi thử nghiệm thứ 3 (2 lần trước là đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm) để các em học sinh có định hướng ôn tập cho tốt phục vụ kỳ thi THPT năm 2017.
Lần này là đề thi tham khảo với mục đích giúp học sinh có một cái nhìn tổng quát về hình thức thi theo 5 bài thi (các lần trước đề thi thử nghiệm công bố theo môn thi), thêm nữa, qua đó, các em có thể hình dung bức tranh chung về đề thi để có thể nhận dạng được về định dạng đề thi tham khảo tương tự như cấu trúc của đề thi thật, tránh được bỡ ngỡ khi tiếp cận với đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia tới đây.
Theo Văn Ba/Chinhphu.vn