Giáo viên Tiếng Anh vất vả để đạt trình độ chuẩn Châu Âu
Nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới toàn diện trong dạy và học Tiếng Anh hiện nay, giáo viên (GV) môn học này phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạt trình độ chuẩn Châu Âu. Tuy nhiên, để đạt trình độ ấy, GV gặp nhiều khó khăn, đặc biệt GV cấp THPT.
Giáo viên thường xuyên đặt câu hỏi để tạo hứng thú cho học sinh
Gian nan đạt chuẩn
Hướng tới sự đổi mới toàn diện trong dạy và học ngoại ngữ, GV tiếng Anh phải đạt trình độ chuẩn Châu Âu. Tuy nhiên, cả nước chỉ có 10 cơ sở giáo dục đào tạo được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ GV tiếng Anh và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc. Trong đó, khu vực phía Nam có 3 đơn vị là Trường Đại học Cần Thơ (Cần Thơ), Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trung tâm SEAMEO RETRAC (TP.HCM). Do đó, để đạt trình độ chuẩn Châu Âu, bậc 5 (C1), GV THPT phải tự theo học tại 1 trong các đơn vị trên. TP.HCM là nơi được nhiều GV lựa chọn.
Để theo khóa học khoảng 2 tháng này, GV phải sắp xếp công việc và đi vào các buổi tối hoặc các ngày cuối tuần. Vì đường xa, nhiều GV có gia đình, GV lớn tuổi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt GV ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Ngoài khó khăn về điều kiện đi lại, để đạt trình độ C1, GV phải nỗ lực rất lớn trong việc học tập, trau dồi kiến thức, đặc biệt phần kỹ năng nghe. Nhiều GV sau khi kết thúc khóa học phải tham gia thi nhiều lần mới có thể đạt trình độ C1.
Thầy Nguyễn Ngọc Lam, GV tiếng Anh, Trường THPT Cần Đước, huyện Cần Đước, cho biết: Khi có thông tin GV THPT phải đạt trình độ C1, tôi chủ động lên TP.HCM để học. Để đạt trình độ C1 thật sự rất khó. Nội dung thi gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng kiến thức rất rộng, đặc biệt phần nghe.
Mặc dù tham gia đầy đủ khóa học và ôn tập nghiêm túc, đồng thời tự trau dồi, học hỏi thêm kiến thức ở các nguồn tài liệu nhưng phải thi nhiều lần tôi mới đạt trình độ C1. Khó khăn là vậy, nhưng đa số các GV đều có tinh thần học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của đổi mới toàn diện trong dạy và học tiếng Anh hiện nay.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Cần Đước - Lê Thị Mai Lý cho biết: Hiện trường có 10 GV tiếng Anh, trong đó có 2 giáo viên đạt trình độ C1. Các GV khác đang tham gia và chuẩn bị tham gia khóa học. Hiểu được sự vất vả của GV, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện ưu tiên cho các GV đang theo học để đạt trình độ C1.
Phát huy kiến thức được học
Thông qua khóa học, nhiều GV tiến bộ rõ rệt, nhất là về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt phát triển kỹ năng nghe, nói. Đồng thời, GV cũng học hỏi thêm nhiều phương pháp dạy kỹ năng nghe, nói,… và áp dụng vào thực tế giảng dạy, giúp phát huy năng lực học sinh. Cô Võ Thị Cúc, GV tiếng Anh, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: Hiện tôi đang học để lấy chứng chỉ C1. Tham dự khóa học này, GV không chỉ được nâng cao trình độ mà còn học hỏi được rất nhiều phương pháp dạy hay, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói. Nhờ áp dụng những phương pháp hay với cách dạy học đa dạng, học sinh dễ hiểu và chú ý hơn trong học tập.
Hiện toàn tỉnh có 191 trường dạy thí điểm tiếng Anh theo chương trình mới - Chương trình hệ 10 năm (trong đó, Tiểu học: 127 trường; THCS: 61 trường, THPT: 3 trường). Hướng tới, chương trình này sẽ được nhân rộng đến các lớp ở các trường tham gia dạy thí điểm cũng như các trường chưa tham gia. Và để đủ điều kiện dạy học theo chương trình thí điểm, giáo viên tiếng Anh phải đạt trình độ chuẩn Châu Âu theo 6 bậc khung tham chiếu Châu Âu đề ra. Trong đó, Ngành giáo dục và Đào tạo yêu cầu với giáo viên tiểu học và THCS phải đạt trình độ từ bậc 4 (B2) trở lên, THPT đạt trình độ từ bậc 5 (C1) trở lên./.
Theo Ngọc Thạch/Báo Long An Online