Giáo viên phải thay đổi khi trường học chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng toàn cầu, mục tiêu cốt lõi áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng đào tạo, tương tác giữa giáo viên và học sinh, quản lý học liệu, thi cử
Giáo viên là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số giáo dục. Mỗi giáo viên cần biết cách sử dụng công nghệ, triển khai các phương thức sử dụng nó để đổi mới nhận thức, góp phần vào cuộc chuyển đổi số trong giáo dục.
Công nghệ chỉ là công cụ
Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục" do Trung tâm Dữ liệu ĐHQG TP HCM phối hợp Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP tổ chức ngày 18-12, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên TP HCM được tiếp cận giải pháp dạy học trực tuyến.
Các nhà quản lý, giáo viên các trường ở TP HCM được hướng dẫn thực hiện bài giảng trực tuyến
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết GD-ĐT có sứ mệnh quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng việc chuyển đổi và phát triển ở TP Thủ Đức và TP HCM trong tương lai.
TP HCM có ưu thế nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển công nghệ cao nên các cơ sở giáo dục hưởng lợi rất nhiều từ đó. TP đã chuyển đổi và làm được rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu mà học sinh, giáo viên mong đợi. Vì vậy, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP cần bắt tay vào xây dựng nền tảng chuyển đổi số tại trường.
"Chúng ta mong đợi công nghệ phát triển đến mức nào thì nhà trường phải sử dụng được công nghệ đến mức đó. Không ai được phép cản trở sự phát triển. Sở GD-ĐT TP HCM không yêu cầu trường phải hợp tác với đơn vị này, đơn vị kia, không giới hạn doanh nghiệp nào. Hiệu trưởng là người quyết định, thấy giải pháp hay, phù hợp thì kết nối. Miễn sao đáp ứng được yêu cầu của sở, có hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết tất cả dữ liệu học sinh của TP đã được mã hóa, số hóa. Nền tảng của số hóa trong giáo dục phải bắt đầu từ học sinh, giáo viên. Khi có phần mềm dữ liệu dùng chung, việc chia sẻ dữ liệu dạy học và số hóa trong GD-ĐT sẽ trở thành cơ hội cho các cơ sở giáo dục tiếp cận nhiều phương pháp dạy học, bài giảng hay, nguồn học liệu phong phú. Mục đích là học sinh phải được thụ hưởng tinh hoa của giáo dục.
Theo ông Hiếu, giáo viên đã thấy được thuận lợi của việc số hóa trong giáo dục nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, mỗi giáo viên phải có định hướng mở, lắng nghe các giải pháp, hiểu rõ mới sử dụng tốt.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP HCM, cho rằng đối với các ứng dụng công nghệ, giáo viên sẽ tự nhận định nó hay hay dở trong từng bài giảng, trong cách quản lý lớp học, trong cách tương tác học sinh, định hình phong cách giảng dạy. Nhưng công nghệ chỉ là công cụ, giáo viên mới là yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công.
Giáo viên cần chủ động tiếp cận
Để giáo viên tiếp cận, khai thác thuần thục các phần mềm hỗ trợ dạy học, cần có các buổi tập tuấn, đào tạo. Ông Thái Chương, Giám đốc điều hành Công ty Cohota, giới thiệu bài giảng giả lập trên phần mềm của đơn vị này. Theo đó, các thao tác thực hiện bài giảng e-learning rất đơn giản, giáo viên có thể thực hiện được sau một lần hướng dẫn.
Ông Chương cho biết giáo viên dễ dàng thực hiện được bài giảng trên phần mềm nếu chủ động tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo. Thông qua phần mềm quản lý, giáo viên sẽ thấy được sự tham gia của học sinh, năng lực, mức độ thành thạo bài học, quản lý được kết quả đầu ra. Nó cung cấp ngân hàng câu hỏi theo từng mức độ, theo ý của giáo viên, thể hiện trên hệ thống. Giáo viên có thể soạn giáo án, thể hiện bài giảng phong phú với nhiều ứng dụng trên hệ thống.
"Thông qua công nghệ, các hệ thống quản lý, phân tích dữ liệu, giáo viên có thể phân tích hành vi làm bài của học sinh, qua đó đánh giá bài học có quá khó với học sinh hay không. Trong một bài tập nhóm, giáo viên có thể biết được học sinh nào tham gia nhiều, bạn nào không tham gia. Giáo viên sẽ có đánh giá, thay đổi để phù hợp với từng học sinh" - ông Chương giải thích thêm.
Cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (quận 2), nhìn nhận giáo viên cần chủ động trong chuyển đổi số nhưng đối với những giáo viên lớn tuổi, đây là một thách thức. Nhà trường nên thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên thực hành soạn bài, tương tác với học sinh qua máy tính. Giáo viên trẻ năng động hơn, dễ tiếp cận, sẽ hướng dẫn thêm cho giáo viên lớn tuổi.
Bà Võ Thị Trúc Quỳnh, Giám đốc Chương trình Giáo dục trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot - ĐHQG TP HCM, đánh giá hệ sinh thái giáo dục trí tuệ nhân tạo (AI) là thành tố quan trọng bảo đảm nguồn nhân lực cao trong thời đại mới.
Đào tạo giáo viên nên chú trọng đến khả năng giáo viên có thể triển khai chương trình hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc thi để học sinh thực hành kỹ năng.
Hợp tác để cung cấp hệ thống học trực tuyến Tại hội thảo, Trung tâm Dữ liệu ĐHQG TP HCM và Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục Sở GD-ĐT TP HCM đã ký kết hợp tác, xác định là đối tác của nhau trong việc giới thiệu và cung cấp hệ thống học trực tuyến cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết việc gắn kết với Trung tâm Dữ liệu ĐHQG TP HCM để nền tảng, thành tựu công nghệ của trung tâm được triển khai rộng rãi ở TP, mang lại hiệu quả trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. |
Theo Nguyễn thuận