Người dân luôn ủng hộ khuyến học, khuyến tài
(Chinhphu.vn) – Chiều 30/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (Đề án 281).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các bộ ngành và Hội khuyến học của 63 tỉnh, thành phố…
Đề án 281 được thực hiện 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn đầu từ năm 2014-2015 và giai đoạn hai từ 2016-2020. Sau 7 năm triển khai, các tổ chức khuyến học khuyến tài ở tất cả các địa phương đều thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng xã hội học tập, xây dựng nhà trường thành “Đơn vị học tập”.
Các phong trào thi đua thực hiện mô hình học tập được nâng lên rõ rệt được thể hiện qua tiêu chí thi đua như Gia đình học tập; Dòng họ học tập; Cộng đồng học tập… được lồng ghép với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa…
Báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam và các ý kiến tham luận tại hội nghị đều khẳng định việc ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” là hoàn toàn đúng đắn, được nhân dân ủng hộ.
Sau 5 năm thực hiện đại trà Quyết định này, chỉ tiêu phấn đấu về các mô hình học tập của các địa phương đều đạt và vượt từ 2% đến 35%, trong đó, tỷ lệ gia đình học tập đạt 71,77%; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51%; tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38%; tỷ lệ đơn vị học tập đạt 85,73%.
Kết quả khảo sát của Hội Khuyến học Việt Nam cho thấy, có 97,6% ý kiến người dân cho rằng việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập là động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa. Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phát triển và đã phủ kín gần 100% xã, phường, thị trấn. Cả nước hiện có hơn 11.000 trung tâm, bình quân mỗi năm có gần 20 triệu lượt người đến học tập.
Trung ương Hội khuyến học đã tổ chức 7 cuộc hội thảo cả 2 miền Nam, Bắc thảo luận vai trò của các trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn. Các trường đại học hướng tới phục vụ người dân theo hướng “cần gì học nấy”, học không cần chứng chỉ, bằng cấp.
Tuy đã đạt và vượt mục tiêu đề án, song chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu, trong đó một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu về gia đình học tập, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều…
Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có tỷ lệ các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt các danh hiệu học tập tăng từ 10% đến 20% so với năm 2020; tập trung phát triển tổ chức hội khuyến học và hội viên trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu; xây dựng và phát triển mô hình “Công dân học tập”.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những kết quả, thành tựu của ngành giáo dục không thể thiếu vai trò, sự đóng góp của các cấp hội khuyến học trong cả nước.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chỉ đạo được nhân dân ủng hộ, phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc và xu hướng của thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà Hội khuyến học Việt Nam, các cấp hội địa phương đạt được khi thực hiện Đề án 281. Số lượng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập… tăng vượt chỉ tiêu. Quan trọng hơn là khi thăm dò ý kiến của nhân dân đều đánh giá nên tiếp tục thực hiện Đề án, không chỉ giúp cho phát triển đất nước mà còn thắt chặt đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tốt hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế một số địa phương không đạt được các chỉ tiêu đặt ra trong Đề án 281. Theo Phó Thủ tướng, lý do căn bản nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật quan tâm sâu sát.
Ở nhiều nơi, do những vấn đề văn hóa, giáo dục chưa mang tính bức bách, cấp thiết nên chưa được quan tâm, chú ý bằng những vấn đề kinh tế trước mắt. “Nếu các đồng chí nói coi trọng văn hóa, giáo dục nhưng không chỉ đạo, chưa dành nguồn lực đúng mức thì chứng tỏ nhận thức chưa được như lời nói, chưa đi đôi với làm”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó cũng có thực tế, do nhận thức khuyến học thường dành cho những đối tượng trình độ thấp nên ở những đô thị lớn, phát triển thì phong trào này không mạnh, không sôi nổi như ở khu vực nông thôn, thậm chí miền núi.
Đây là những vấn đề cần được chú ý khắc phục trong công tác khuyến học những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không phải là nhiệm vụ của riêng Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị.
Thời gian tới, Hội Khuyến học cùng với các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mở rộng quy mô từ gia đình ra dòng họ, cộng đồng; từ xã đến huyện, đến tỉnh và cả nước; có sự chỉ đạo thống nhất và xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ đi kèm kinh phí thực hiện cho Hội Khuyến học…
Theo Đình Nam
http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Nguoi-dan-luon-ung-ho-khuyen-hoc-khuyen-tai/415597.vgp