Bộ GD&ĐT trao đổi trực tuyến ASEAN + 3 về giáo dục ĐH
(Chinhphu.vn) - Một báo cáo tổng thể về cách ứng phó của giáo dục đại học (GDĐH) các nước đối với dịch bệnh COVID-19 sẽ được đưa ra tại Hội nghị triển khai các hoạt động về dịch chuyển sinh viên và đảm bảo chất lượng GDĐH và sẽ đăng tải rộng rãi trên những kênh truyền thông của Ban thư ký ASEAN, để toàn bộ sinh viên có mong muốn dịch chuyển trong khu vực thuận tiện sử dụng.
Hội nghị trực tuyến triển khai các hoạt động về dịch chuyển sinh viên và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Ngày 12/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động về dịch chuyển sinh viên và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) trong khuôn khổ hợp tác giáo dục ASEAN+3 lần thứ 8.
Hội nghị có sự tham dự của 12 nước qua hình thức trực tuyến, đóng vai trò là nền tảng để ASEAN+ 3 chia sẻ cách ứng phó đối với tác động của đại dịch COVID-19. Bất chấp đại dịch, việc dịch chuyển sinh viên vẫn tiếp diễn bình thường với việc các trường đại học tổ chức các khóa học trực tiếp cho những sinh viên quốc tế hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc hoặc cung cấp các khóa học trực tuyến cho những sinh viên chọn học trực tuyến.
Tại Hội nghị, các đại biểu trình bày các giải pháp và ý tưởng cho hợp tác trong tương lai nhằm hoàn thành sứ mệnh về hiểu biết lẫn nhau, hòa bình và phát triển bền vững trong khu vực ASEAN+3.
Một báo cáo tổng thể về cách ứng phó của GDĐH các nước đối với dịch bệnh COVID-19 sẽ được đưa ra tại Hội nghị và sẽ đăng tải rộng rãi trên những kênh truyền thông của Ban thư ký ASEAN, để toàn bộ sinh viên có mong muốn dịch chuyển trong khu vực thuận tiện sử dụng.
Một trong những nội dung đáng chú ý của hội nghị là thảo luận về việc công bố những thông tin có giá trị, có cấu trúc trên cổng thông tin điện tử của các cơ sở GDĐH các nước ASEAN+3 để thúc đẩy cơ hội học tập quốc tế trong các quốc gia này. Kết quả trao đổi, khảo sát này đã giúp hoàn thiện một bản hướng dẫn, hỗ trợ các trường đại học trong khu vực ASEAN+3 cung cấp những thông tin cần thiết bằng tiếng Anh trên website của nhà trường.
Những nội dung hội nghị khẳng định lợi ích chung và quyết tâm mạnh mẽ trong hoàn thành cam kết tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và cộng tác liên chính phủ, nhằm thúc đẩy việc dịch chuyển của sinh viên và đảm bảo chất lượng GDĐH giữa các thành viên thuộc ASEAN+3. Đẩy mạnh hợp tác giáo dục quốc tế, khai thác tối đa nguồn nhân lực tiềm năng trong khu vực, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra khắp thế giới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn ưu tiên hợp tác với các nước thành viên, cùng chung tay để góp phần vào sự phát triển của hợp tác GDĐH trong khu vực ASEAN+3. Chính vì vậy, Hội nghị phù hợp với chủ đề của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020: “Gắn kết và chủ động thích ứng”, bao hàm nhu cầu tăng cường khả năng sáng tạo và khả năng đáp ứng với cả cơ hội và thách thức. Phù hợp với chủ đề, cuộc họp này nhằm mục đích thúc đẩy các sáng kiến và giải pháp linh hoạt để ứng phó với những tác động ảnh hướng đến hệ thống giáo dục trong ASEAN, qua đó tạo sức bật thông qua việc thúc đẩy trao đổi sinh viên, và tăng cường đảm bảo chất lượng GDĐH.
Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng GDĐH là một trong những chính sách hàng đầu tại Việt Nam, trong đó hội nhập và quốc tế hóa GDĐH đã được quan tâm đặc biệt. Trong những năm gần đây, GDĐH của Việt Nam đã đạt được tiến bộ mang tính đột phá về chất lượng và nhận được sự công nhận quốc tế. Trong đó, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế giữa các trường đại học Việt Nam và các đối tác nước ngoài đã gia tăng về số lượng (khoảng 400 chương trình khác nhau với các đối tác tại hơn 30 quốc gia trên thế giới) và không ngừng cải thiện chất lượng.
Ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam và các ngành đào tạo đã được công nhận trong bảng xếp hạng các trường đại học uy tín nhất trên thế giới và ở châu Á (3 cơ sở GDĐH Việt Nam được ghi nhận trong top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của QS và Times Higher Education; 8 trường vào trong số 500 trường đại học tốt nhất châu Á theo xếp hạng QS).
Nhiều sinh viên quốc tế đã quyết định đến Việt Nam du học để trải nghiệm văn hóa và môi trường học tập mới (tổng cộng hiện nay có khoảng 21.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, trong đó có gần 15.000 sinh viên học đại học và sau đại học).
Theo Nhật Nam
http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Bo-GDDT-trao-doi-truc-tuyen-ASEAN-3-ve-giao-duc-DH/413845.vgp