Những học sinh chưa từng gọi tên "bánh trung thu"
(NLĐO) - Đối với học sinh vùng cao, vùng giáp biên giới, mảnh áo mặc còn chưa đủ, cơm ăn chưa no và nhiều em chưa bao giờ được cầm trên tay chiếc bánh trung thu
Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Tung Qua Lìn chênh vênh trên đỉnh núi thuộc bản Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), trong khu vực biên giới Việt - Trung. Để đến trường, các em phải dậy từ 5 giờ sáng, leo dốc 3-5 km để đến trường học chữ.
Hơn 500 học sinh cấp tiểu học và THCS chủ yếu là dân tộc Mông (90%) đến trường trong tấm áo cũ, nhiều em còn không có dép để đi. Khi đoàn giáo viên, tình nguyện viên thuộc Dự án sách hay cho học sinh tiểu học đến trường để tổ chức trung thu và tặng quà cho các em, nhiều em còn ngơ ngác, lạ lẫm vì gần như các em chưa từng tiếp xúc với người lạ.
Để đến trường là một hành trình gian nan của học sinh vùng cao
Cô hiệu trưởng Lù Thị Hương Lan cho biết, để vận động các em đến trường, thầy cô giáo của trường phải đến từng nhà để nói chuyện với cha mẹ các em, trong khi hầu hết họ không nói được tiếng Việt. Nhiều học sinh đi học xa từ bản Gò Ký, bản Căng Ký đến trường phải đi bộ đến hơn 3 km. Thương trò, thầy cô của trường thức dậy từ 4 giờ sáng đến tận bản làng đón các em đi học bằng xe máy, mỗi sáng đều phải đi 3-4 chuyến. Mùa đông, thời tiết thường xuyên ở mức 0 độ C, thấy trò co ro trong tấm áo mỏng, mặt ửng đỏ vì giá lạnh, nhiều thầy cô không kìm được nước mắt.
Đời sống quá khó khăn, nên hầu như các em không biết đến trung thu. Khi được các tình nguyện viên phát bánh trung thu nhiều em cầm lên nhìn ngắm với ánh mắt lạ lùng. Cô Lù Thị Hương Lan nói rằng vì chưa từng biết đến bánh trung thu nên chắc chắn nhiều em ở đây không thể gọi tên được "bánh trung thu".
Rất nhiều học sinh Trường Tung Qua Lìn lần đầu tiên cầm trên tay chiếc bánh trung thu
Các em thật vui khi được các giáo viên tình nguyện đến từ TP HCM tặng mền, dày, sách vở... để trung thu năm nay được đầy đủ, ấm áp hơn
525 đôi giầy, 525 chiếc mền, sách vở, bánh trung thu đã được các giáo viên, tình nguyện viên quyên góp để mang đến cho học sinh Trường Tung Qua Lìn, mang cho các em thêm niềm vui vào ngày Tết Trung thu
Tại điểm trường Dền Thàng, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San (Phong Thổ, Lai Châu), khi nghe tin đoàn giáo viên, tình nguyện viên đến từ TP HCM đến tổ chức trung thu cho các em, nhiều em háo hức chạy ra đón đoàn.
Học sinh điểm trường này chủ yếu là dân tộc Mông và Dao
Ánh mắt của học sinh vùng cao, các em chỉ quanh quẩn trong bản làng và trường học, trong vòng tay thầy cô; ít khi tiếp xúc với người lạ
Cô và trò điểm trường xa xôi này, lâu lắm rồi mới được đón đoàn tình nguyện từ phương xa tới, các em học sinh rất vui khi được tặng dép, bánh kẹo, sách vở... và vui trung thu
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Xe (huyện Phong Thổ, Lai Châu) háo hức đón chú Cuội, chị Hằng đến phát bánh kẹo và vui chơi cùng các em:
Các con vui mừng được gặp chú Cuội, chị Hằng
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Nỳ 2 (Nậm Pồ, Điện Biên), ngôi trường có 70% học sinh dân tộc Mông và 30% dân tộc Dao, 90% con em thuộc hộ nghèo. Học sinh học bán trú, một tuần mới về nhà một lần, các em được các cô giáo, thầy giáo tận tình dạy dỗ, chăm sóc để bù đắp việc các em phải xa gia đình. Cô Lò Thị Thùy, hiệu trưởng nhà trường cho biết, để các em đến trường, thầy cô giáo phải đi vận động vì đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, cơm ăn còn chưa no nói gì đến cái chữ.
Học sinh của trường được một đoàn thiện nguyện tặng đồng phục, sợ các con làm dơ, tan học, các con thay đồng phục để lại lớp cho các cô giặt, phơi, giữ dìn quần áo không bị rách, bẩn.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Nỳ số 2, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Tan học các con thay đồng phục để lại lớp để cô giáo giặt vì sợ bộ đồng phục hiếm hoi bị dơ, rách
Được các tình nguyện viên tổ chức trung thu và phát bánh trung thu, các em thực sự vui mừng vì lần đầu tiên được cầm trên tay những chiếc bánh trung thu.
Bánh trung thu là món quà ý nghĩa cho các bé đón Tết Trung thu năm nay
Các giáo viên, tình nguyện viên thuộc Dự án Sách hay dành cho học sinh tiểu học đến từ TP HCM đã trao tặng trao tặng 13.000 cuốn sách hay, 443 bộ đồng phục, 525 chiếc mền, 525 đôi giày cùng 554 đôi dép tổ ong, 2.800 tập vở và 2.600 chiếc bánh trung thu... để HS vùng cao hai huyện Nậm Pồ (Điện Biên) và Phong Thổ (Lai Châu) đón trung thu ấm áp hơn.
Các giáo viên, tình nguyện viên thuộc Dự án Sách hay dành cho học sinh tiểu học đã vận động, quyên góp trong nhiều tháng trong hành trình gian nan để mang đến cho học sinh vùng cao niềm vui Tết Trung thu.
Theo Gia Thùy