Ngành giáo dục: Tôn vinh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước
(Chinhphu.vn) - Đại hội là dịp tôn vinh, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của cả nước trong 5 năm qua
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Sáng 23/9, những gương mặt điển hình, xuất sắc của ngành giáo dục đã tụ hội tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII năm 2020 diễn ra tại Hà Nội. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự Đại hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Đại hội là dịp tôn vinh, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của cả nước trong 5 năm qua; qua đó khơi dậy và tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, với nội dung trọng tâm là tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua 5 năm qua, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá những kết quả đã đạt được; nhận diện những hạn chế, tồn tại; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua trong thời gian tới. Đồng thời, xác định những bài học kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay để áp dụng rộng rãi, tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành giáo dục ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; thực sự là động lực thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói riêng.
Đại biểu chính thức tham dự Đại hội gồm khoảng 400 người; trong đó có các tập thể và cá nhân đang được đề nghị danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; các chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016-2020; các Nhà giáo nhân dân được phong tặng năm 2017; đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; học sinh đoạt Huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2020; sinh viên nghiên cứu khoa học đoạt giải nhất năm 2019.
Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, nền giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững trong tình hình mới, ngành giáo dục đã và đang triển khai mạnh mẽ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng.
Để triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành giáo dục tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt” và đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cùng với việc triển khai phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2013 và các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Ngành giáo dục tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của ngành.
Trên cơ sở kết quả chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT và thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, cơ sở giáo dục, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, cấp ủy, người đứng đầu các cơ sở GD&ĐT đã đề cao ý thức trách nhiệm, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua, phù hợp với cơ quan, đơn vị; khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.
Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Nội dung các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn, từng năm học và được cụ thể hóa cho phù hợp với chuyên môn mỗi cấp học, bậc học và ngành học; đồng thời gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động của ngành.
Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT: Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại, bước đầu xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế.
Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua được chú trọng; công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được quan tâm. Nhiều mô hình tiên tiến, những tấm gương điển hình đã được bồi dưỡng, xây dựng và phát huy tác dụng tích cực đối với toàn ngành. Công tác tuyên dương, khen thưởng, giới thiệu, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt cũng đã được các đơn vị tuyên truyền qua các hệ thống thông tin của ngành và các phương tiện thông tin đại chúng.
Công tác khen thưởng được thực hiện bảo đảm đúng quy định, quy trình và kịp thời, khách quan, dân chủ, công bằng; không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo. Khen thưởng đúng đối tượng, đúng thành tích đã kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển.
Theo Nhật Nam