Kỷ luật học sinh càng cần tôn trọng và thấu hiểu
(Chinhphu.vn) - Làm tốt công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh sẽ góp phần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất tốt nhất cho học sinh và từng bước xây dựng trường học hạnh phúc. Mỗi học sinh một trường hợp riêng, khi kỷ luật hay trách phạt cũng cần tôn trọng và thấu hiểu.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT). Ảnh: VGP/Nhật Nam
Bộ GD&ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Quy định về khen thưởng và kỷ luật trong các cơ sở giáo dục. Những điểm mới trong dự thảo thông tư có thể làm thay đổi nhận thức của giáo viên, nhà trường về bản chất tích cực của biện pháp giáo dục bằng kỷ luật hay trách phạt, tạo môi trường giáo dục thân thiện.
Báo điện tử Chính phủ phỏng vấn ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) về quy định khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông sớm được ban hành trong thời gian tới.
Việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay có những điểm hạn chế gì khiến ngành giáo dục phải thay đổi, đưa ra những quy định mới?
Ông Bùi Văn Linh: Hiện nay, công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông trong các nhà trường nhằm mục đích khuyến khích, thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản thân, phòng ngừa và ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn và bình đẳng.
Việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay đang được thực hiện theo Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.
Tuy nhiên, một số quy định về kỷ luật học sinh tại Điều lệ nhà trường và Thông tư số 08/TT chưa được đồng bộ, thống nhất. Một số quy định tại Thông tư cũ này không còn phù hợp thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là so với quy định tại một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây.
Đặc biệt, quy định về xử lý kỷ luật học sinh hiện nay mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.
Đây là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Để học sinh tiến bộ thì khen thưởng và kỷ luật có tầm quan trọng như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Văn Linh: Nếu mục đích của việc khen thưởng hướng tới là tạo động lực để học sinh rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống thì kỷ luật học sinh hướng tới việc giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Làm tốt công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh ngoài việc sẽ góp phần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, nền nếp, kỷ cương, hoàn thiện nhân cách và phát triển năng lực, phẩm chất tốt nhất cho học sinh mà còn từng bước xây dựng trường học hạnh phúc.
Dự thảo Thông tư đã bổ sung thêm các biện pháp tích cực nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Linh: Đối với khen thưởng, mục đích là thúc đẩy học sinh, tu dưỡng, tính tự hoàn thiện được đặt lên hàng đầu. Việc khen thưởng phải đảm bảo thực chất, tránh hình thức. Chú trọng tuyên dương nhân rộng người tốt việc tốt.
Với hình thức khen, tiếp tục duy trì những cái cũ như tuyên dương trước lớp, trường, giấy khen, thư khen. Tuy nhiên học sinh được tặng giấy khen, chỉ tổ chức cuối năm học, không khen từng học kỳ. Các học sinh hoàn thành xuất sắc các hoạt động học tập, rèn luyện và học sinh giỏi ở bậc THCS, THPT mới được khen. Còn học sinh khá thì không nằm trong đối tượng tặng giấy khen. Từ nay sẽ không khen tràn lan, học sinh được khen là tiêu biểu, các học sinh có thành tích xuất sắc đột xuất, nhà trường xem xét tặng giấy khen, như nhiều việc làm chúng ta thấy trong thời gian qua như cõng bạn đến trường, nhặt của rơi trả người đánh mất, cứu bạn...
Bên cạnh đó, ngành giáo dục đề xuất các hình thức khen cao với các học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, khu vực…
Về kỷ luật, điểm mới rất lớn là giáo dục tích cực, tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến. Không sử dụng các hình thức phê bình, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần của học sinh.
Thi hành các hình thức kỷ luật có sự kết hợp chặt chẽ nhà trường-gia đình-xã hội. Khi phải kỷ luật, nhà trường sẽ ban hành kế hoạch giáo dục riêng cho học sinh rồi thống nhất với gia đình.
Trước đây, hình thức kỷ luật đuổi học là học sinh sẽ ở nhà, từ đó tạo ra tâm lý chán nản. Hình thức kỷ luật mới là tạm dừng lên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng, tối đa 2 tuần.
Các biện pháp kỷ luật của nhà trường cần mang tính tích cực để cải thiện chất lượng giáo dục. Đó là, bảo đảm sự thân thiện, khoan dung và thấu hiểu khi nhìn nhận những vi phạm của học sinh và thể hiện sự tôn trọng, tránh gây tổn thương thể chất, tinh thần học sinh. Không tổ chức kiểm điểm học sinh trước lớp, toàn trường, không đuổi học học sinh mà thay vào đó là giáo dục tích cực. Điều này được yêu cầu rõ ràng trong Điều 3, 4. Đồng thời, đã có gợi ý một số biện pháp giáo dục cụ thể tại Điều 9 của Thông tư mới.
Các quy định và hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật trong thông tư lần này sẽ không cứng nhắc mà có tính mở để nhà trường vận dụng linh hoạt. Cụ thể, trên cơ sở những quy định chung về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, hình thức và gợi ý một số phương pháp khen thưởng, kỷ luật học sinh, phần còn lại các cơ sở giáo dục tiếp tục phát triển để xây dựng thật chi tiết, cụ thể, rõ ràng cho phù hợp với đặc thù của mỗi cơ sở.
Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp gì để tập huấn, bồi dưỡng cho các cơ sở giáo dục, lan toả tác động tích cực tới từng giáo viên để Thông tư có tính khả thi khi đi vào cuộc sống?
Ông Bùi Văn Linh: Trong vòng 1 tháng sau khi Thông tư ban hành, hiệu trưởng phải cụ thể hoá các quy định của Thông tư phù hợp với thực tiễn thông qua các kênh như ban phụ huynh, các lớp. Ví dụ như lỗi đi học muộn 1 lần, 2 lần thì học sinh sẽ lao động vệ sinh, trực nhật hay đọc câu chuyện, tác phẩm liên quan đến lỗi vi phạm…
Thông tư mới có thể làm thay đổi nhận thức của giáo viên, nhà trường về bản chất tích cực của biện pháp giáo dục bằng kỷ luật/hay trách phạt. Đồng thời hạn chế việc áp dụng cứng nhắc, máy móc như là công cụ chế tài đồng loạt dẫn đến việc phản tác dụng giáo dục.
Giáo viên và nhà trường sẽ được tự chủ hơn và cũng phải dân chủ hơn trong xây dựng quy định, vận dụng các hình thức, biện pháp khen thưởng, kỷ luật riêng phù hợp với trường mình. Như vậy đồng nghĩa với việc trách nhiệm của nhà trường và các bên liên quan phải lớn hơn trước, tránh đẩy trách nhiệm cho cơ quan quản lý cấp trên.
Quan trọng là giáo viên phải hiểu bản chất của giáo dục tích cực. Kỷ luật ngăn chặn hành vi là máy móc, cứng nhắc, còn giúp học sinh nhận thức được vấn đề, chủ động đưa ra phương án điều chỉnh, khắc phục thì sẽ thay đổi cách nhìn nhận, ứng xử của giáo viên.
Khi Thông tư ban hành, nhà trường có tính tự chủ hơn. Tính dân chủ đã được mở ra, học sinh, phụ huynh cũng có được ý kiến. Mỗi học sinh là một trường hợp riêng, đòi hỏi giáo viên phải thu thập đủ thông tin, phân tích thấu đáo để thấu hiểu, khoan dung và có biện pháp xử lý công bằng. Giáo viên, nhà trường cần phối hợp và tạo sự đồng thuận với gia đình học sinh trong việc đưa ra biện pháp kỷ luật, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân và thực thi kỷ luật.
Theo Phương Liên
http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Ky-luat-hoc-sinh-cang-can-ton-trong-va-thau-hieu/407435.vgp