Trò chuyện với con về giới tính
Các bậc cha mẹ thường gặp nhiều khó khăn với con trong việc trả lời những câu hỏi về giới tính, sức khỏe sinh sản...
Thời gian qua, báo chí và mạng xã hội đã đưa nhiều thông tin liên quan đến việc người trẻ - nữ thanh niên, vị thành niên - mang thai ngoài ý muốn và sau khi sinh con, họ đã "ném con từ lầu cao", "bỏ con vô thùng các-tông", "bỏ xuống cống", "cho vô balô mang đi"... Dư luận đã lên án mạnh mẽ những hành động này và có cả những xử lý về mặt pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta thử trả lời cho câu hỏi: Vì sao, cái gì đã dẫn đến lối sống và những hành vi này của họ?
Khi tuổi dậy thì đến sớm
Tất nhiên ai cũng biết: sinh được con là do mang thai, mang thai là do có quan hệ tình dục, quan hệ là do nhu cầu của giới tính và lứa tuổi. Đó là quy luật của tự nhiên. Nhưng những hậu quả đau lòng vừa được nhắc tới lại là do những người trẻ đó đã sống quá "tự nhiên", không được giáo dục tới nơi tới chốn về giới tính, sức khỏe sinh sản, đời sống tình dục để có thể đón nhận một cuộc sống hạnh phúc từ những thứ tạo hóa ban tặng cho con người.
Cha mẹ cần gần gũi, đồng hành với con cái để giúp con có được cảm giác tin tưởng, chia sẻ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tôi may mắn là một người được nhiều bậc phụ huynh tin cậy trong việc chia sẻ về vấn đề con cái, việc nuôi con, dạy con và làm bạn cùng con. Chắc có lẽ do hành trình 20 năm dạy học và làm việc, tôi đã hết sức quan tâm đến những vấn đề của con trẻ. Và gần đây, khi thực hiện chương trình "Hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học", tôi đã có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm với những băn khoăn, lo lắng; những thắc mắc, tâm sự của các bạn nhỏ cũng như cha mẹ của các bạn ấy về vấn đề giới tính, nhất là các bạn ở lứa tuổi cuối tiểu học và thiếu niên THCS. Điều này làm tôi nhận ra rằng tuổi dậy thì ngày nay thực sự đã đến sớm hơn với các bạn nhỏ. Khi giai đoạn này xuất hiện, nó đã chi phối rất nhiều đến sinh hoạt, học tập, đời sống tình cảm, quan hệ bạn bè và sự nhận thức bản thân của các em. Nhiều em không khỏi "bàng hoàng" với sự thay đổi của cơ thể; không thể giải thích được những phản ứng bất thường của chính mình; không chấp nhận được những phát sinh "kỳ lạ", không biết xử lý như thế nào với những tình huống "khó đỡ".
Nhu cầu tìm hiểu về giới tính rất chính đáng
Đứng trước những khó khăn này, ngày nay, ở một đô thị lớn như TP HCM, các bậc cha mẹ tìm đến những nhà tư vấn tâm lý để được hướng dẫn cách trao đổi vấn đề với trẻ và thậm chí gửi trẻ cho nhà tư vấn để trẻ được tiếp cận "dễ hơn". Tuy nhiên, đây cũng là số ít. Tôi nhận ra rằng nhu cầu hiểu biết về cơ thể, giới tính, vấn đề tâm sinh lý của thiếu niên và cuối tuổi nhi đồng là rất lớn - cả từ phía các em lẫn cha mẹ.
Bởi vì gần như việc thẳng thắn nhắc đến những điều này vẫn còn chưa được phổ biến, dù là ngoài xã hội, trong nhà trường hay ngay cả trong gia đình. Và tôi cho rằng từ những sự không hiểu biết hoặc hiểu biết mơ hồ, thậm chí hiểu biết lệch lạc do nhận thức tự phát, các em nhỏ đã phải trải qua một tuổi thơ với nhiều sự cố, với sự hoang mang, lo lắng, với những tổn thương tâm lý mà có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc cuộc đời sau này. Chính vì vậy, các em nhỏ, đặc biệt là thiếu niên, trước và trong khi đang ở độ tuổi dậy thì cần phải được biết, được hiểu những thay đổi, biến chuyển tâm sinh lý trong cơ thể của mình để yêu bản thân, trân trọng bản thân mình và thậm chí là của cả người khác.
Vì sao cha mẹ ngại nói với con về giới tính?
Do một quan niệm sẵn có nào đó, nhiều người Việt vẫn giữ quan điểm những gì liên quan đến giới tính, sinh sản, tình dục là những vấn đề... "bậy bạ", không thể là chủ đề cho những cuộc trao đổi chính thống, càng không nên là chuyện có thể nói với trẻ. Bản thân tôi khi đi dạy phòng chống xâm hại, đã không ít lần gặp sự dè dặt, thậm chí là phản đối, khi chính những người làm việc trong nhà trường đã cho rằng "Con nít biết gì mấy chuyện đó mà dạy!". Cũng chính vì sự e dè vô lý đó mà một phụ huynh đã phải hối hận vô cùng về việc chị ấy đã bảo con gái hãy tự lên Google mà tìm hiểu, khi cô con gái nhỏ (học sinh lớp 4) đặt câu hỏi "Mẹ ơi, bao cao su dùng để làm gì?".
Những lý do thường thấy khiến cha mẹ ngại trò chuyện giới tính với con: Hoạt động tình dục là một lĩnh vực "khó ăn, khó nói" trong các mối quan hệ. Nếu như chính bản thân các người lớn còn không thể bàn thảo về những cảm xúc tình dục với nhau thì điều chẳng làm ta ngạc nhiên là họ không thể nói chuyện về "nó" với con cái của mình. Hơn nữa, nhiều phụ huynh cũng nghi ngờ chính bản thân họ, vì họ không thể đưa ra câu trả lời thích hợp cho những câu hỏi hóc búa, lắt léo. Thật khó mà biết được là nên trò chuyện với con về giới tính bắt đầu từ lứa tuổi nào, cung cấp bao nhiêu lượng thông tin thì đủ và liệu cha mẹ nên "tiên phong" hay "bị động" đợi chờ những câu hỏi. Bên cạnh đó là những mối quan ngại, rằng nói sớm quá có khác nào "vẽ đường cho hươu chạy" và quá nhiều thông tin "ly kỳ" sẽ kích thích sự tò mò và cướp đi tuổi thơ hồn nhiên của các em.
Chuyện về giới tính không phải chỉ liên quan đến những vấn đề về tình dục, về sự sinh sản duy trì giống nòi mà kèm theo nó còn là những cảm xúc, những giá trị thẩm mỹ, đạo đức và những thái độ đúng đắn. Chính vì vậy, các bậc làm cha mẹ cần phải có thái độ đúng đắn và có những kỹ năng cần thiết để trao đổi, hướng dẫn, giáo dục con trẻ, giúp con hướng tới một cuộc sống lành mạnh, tự tin và tích cực.
Để nói "chuyện khó nói" dễ dàng hơn
Bắt đầu từ khi nào? Ngay từ độ 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu tò mò, thắc mắc về cơ thể mình. Khi ngôn ngữ phát triển, trẻ sẽ đặt các câu hỏi và quan sát. Theo các chuyên gia nước ngoài, giáo dục giới tính nên bắt đầu từ sớm, là lúc trẻ dễ tiếp nhận nhất. Những năm tháng tuổi thanh thiếu niên thường là lúc mà sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái hay gặp khó khăn. Vì vậy, quan điểm giáo dục giới tính là dựa trên tính liên tục và nhấn mạnh trong suốt giai đoạn phát triển của trẻ.
Như thế nào thì phù hợp? Có rất nhiều cơ hội để bàn thảo. Đừng biến buổi nói chuyện giữa cha mẹ và con cái thành một buổi học trang trọng. Phần lớn các bậc cha mẹ và con cái thấy họ dễ dàng thảo luận các vấn đề hơn khi đang làm những công việc hằng ngày như nấu ăn, chở con đi học, xem tivi chung, đi bộ...
- Sử dụng những sự việc diễn ra xung quanh để làm cái cớ: cuộc nói chuyện có thể bắt đầu khi xuất hiện những cảnh trên truyền hình hay một chuyện gì đó xảy ra với một người mà gia đình bạn quen biết, một tin tức, sự kiện trên mạng xã hội. Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi những câu hỏi gợi mở, chẳng hạn: "Con thấy chuyện này như thế nào?", "Con sẽ làm gì nếu rơi vào tình huống đó?". Một cuộc thảo luận dựa trên một tình huống giả định là rất dễ bắt đầu và nó cho cả bạn và con cái một cơ hội để bày tỏ những suy nghĩ và quan điểm của mình.
- Sử dụng kinh nghiệm của chính bản thân: nếu phụ huynh cảm thấy thoải mái, hãy minh họa cho những quan điểm cụ thể của mình bằng kinh nghiệm của chính bản thân.
- Nếu cảm thấy khó khăn, cha mẹ có thể dựa vào những sách báo, các chuyên đề giáo dục. Những quyển sách có thể là chìa khóa đưa các bạn nhỏ cũng như các bậc phụ huynh vượt qua những rào cản vô hình để tiếp cận với các vấn đề giới tính một cách nhẹ nhàng, đơn giản, mà không kém phần sâu sắc.
- Trả lời con một cách đơn giản và chân thật.
- Cung cấp vừa đủ thông tin để trả lời những câu hỏi đúng chừng mực.
- Dùng các thuật ngữ khoa học đúng đắn ngay từ đầu, chúng ta sẽ thấy mọi việc nhanh chóng đi vào cảm giác bình thường, vượt qua được những e dè, ngại ngùng của ban đầu.
- Hãy nhớ dùng hình thức trao đổi, thảo luận với con cái chứ không phải là những buổi giảng bài.
- Không được tỏ ra lạnh lùng hoặc không thể tiếp cận được.
- Đừng cho rằng con mình đã sinh hoạt tình dục hoặc có vấn đề nếu như chúng hỏi những câu hỏi liên quan đến tình dục. Một sự phản ứng không tế nhị sẽ khiến con cái không bao giờ dám hỏi cha mẹ những câu hỏi liên quan đến vấn đề này nữa. |
Theo TS. Lê Thị Linh Trang
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tro-chuyen-voi-con-ve-gioi-tinh-20200829221230623.htm