Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Những năm qua, tỉnh không ngừng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đào tạo nghề là chìa khóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỉnh Long An có 25 cơ sở (10 công lập, chiếm 40%; 15 ngoài công lập, chiếm 60%), trong đó gồm 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác tham gia giáo dục nghề nghiệp. Trong mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có Trường Cao đẳng Long An và Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam được đầu tư 6 nghề trọng điểm (2 nghề cấp độ quốc tế; 2 nghề cấp độ khu vực ASEAN; 2 nghề cấp độ quốc gia).
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước điều chỉnh theo cơ cấu ngành, nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai đào tạo trên 80 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề lao động nông thôn thuộc cả 3 khu vực: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ. Hình thức đào tạo ngày càng đa dạng, bên cạnh đào tạo chính quy tại cơ sở đào tạo, việc đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, đào tạo lưu động tại doanh nghiệp được các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp tổ chức rộng rãi.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng chia sẻ: “Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn gắn kết với hơn 100 công ty, doanh nghiệp đưa học sinh đi thực tập; đồng thời, nhận phôi của doanh nghiệp về trường tổ chức cho học sinh, sinh viên thực hành theo hướng làm ra sản phẩm. Ngoài ra, trường còn ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, trong đó Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Long An học liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học; bồi dưỡng và đánh giá kỹ năng nghề cho học viên; trao đổi giảng viên; hợp tác nghiên cứu khoa học, dự án, các nhu cầu cần thiết, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Long An. Đây là một trong những biện pháp giúp trường nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của công ty, doanh nghiệp, nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia đề án đưa người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài”.
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không cần sử dụng nhiều lao động phổ thông, nguy cơ thất nghiệp của nhóm đối tượng này rất cao. Thay vào đó, thị trường chỉ cần công nhân đã qua đào tạo, có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh cao và hội nhập sâu, rộng thì đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng trong sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và đào tạo nghề là giải pháp căn bản nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà, đến nay lao động qua đào tạo trên 70%, trong đó qua đào tạo nghề trên 55%, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo những ngành, nghề gắn với thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm bền vững cho người lao động và nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp. Nhờ vậy, các ngành, nghề như hàn, cắt gọt kim loại, lắp đặt thiết bị cơ khí, điện công nghiệp, điện lạnh,... đáp ứng rất tốt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động. Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp; tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ thị trường lao động của tỉnh và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu có 75% lao động qua đào tạo, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 35%”./.
Theo Lê Ngọc
http://baolongan.vn/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-a98802.html