Thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chú trọng về giải pháp khoa học - công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái doanh nghiệp - Chính phủ - đại học.
Ảnh: Báo Nhân dân
Sáng 2/7, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED). Đây cũng là viện nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này.
Về trung và dài hạn, ICED xác định tầm nhìn trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực về kinh tế tuần hoàn trên cơ sở trở thành Trung tâm Nghiên cứu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất chính sách trong ứng dụng và phát triển mô hình các bên liên quan. Bên cạnh đó, ICED sẽ cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực; là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách về phát triển bền vững cho Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương. Đồng thời, đây cũng là trung tâm kết nối doanh nghiệp - Nhà nước - đại học, liên kết lợi ích, nhu cầu giữa các bên có liên quan để hướng về mục tiêu phát triển bền vững.
ICED là mô hình viện nghiên cứu khoa học trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tài chính và vận hành từ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, Quỹ VCF thuộc VinaCapital và Tập đoàn Nutifood bảo trợ kinh phí hoạt động, hỗ trợ vận hành và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp. Ban Điều hành Viện được thành lập dựa trên tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED, với sứ mệnh và tầm nhìn trên, ICED tạo cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan để thúc đẩy vận hành nền kinh tế tuần hoàn, mang lại lợi ích mặt kinh tế, xã hội dựa trên việc sử dụng hợp lý nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs - Sustainable Development Goals) do Liên Hợp Quốc đề ra.
Cũng trong buổi lễ, ICED đã thực hiện ký kết hợp tác với Tập đoàn Nutifood, Tập đoàn VinaCapital, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (UBND Thành phố Hồ Chí Minh) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam./.
Theo BT