Học sinh tiểu học công lập được miễn học phí từ khi nào?
Việc học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng phụ huynh lâu nay không hề hay biết.
Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Tuy nhiên, nội dung được nhiều phụ huynh quan tâm hơn cả là việc học sinh tiểu học không phải đóng học phí.
Có hai cậu con trai đang học lớp 4 và lớp 1, chị Nguyễn Hà Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) phấn khởi với chính sách này, bởi gia đình sẽ tiết kiệm được khoản tiền dù là nhỏ.
Chị còn hào hứng chia sẻ thông tin đến bạn bè, người thân thông tin trên. Cho đến khi một người bạn của chị khẳng định chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học có từ lâu thì chị mới ngã ngửa. Lâu nay chị Phương cứ nghĩ phải đóng học phí cho con.
Không chỉ chị Phương mà nhiều phụ huynh khác cũng nhầm lẫn tiền học phí và tiền đóng góp hàng năm của các con.
Thực tế, từ lâu các quy định về học phí chỉ áp dụng với học sinh mầm non, THCS và THPT công lập, Giáo dục thường xuyên, chứ không có cấp tiểu học. Ngoài học phí không phải đóng thì phụ huynh có thể phải nộp các khoản như: tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền ngoại khoá… tuỳ vào thoả thuận, thống nhất với nhà trường. Khoản này không được coi là học phí.
Chính sách miễn học phí đối với học sinh tiểu học công lập được các trường trên cả nước thực hiện từ nhiều năm nay, chứ không phải bây giờ Luật Giáo dục sửa đổi mới quy định về điều này.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Khương Thượng, Hà Nội. (Ảnh minh họa: H.C)
Theo Luật sư Tạ Ngọc Thành, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tại khoản 2, Điều 61 của Hiến pháp năm 2013 quy định, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc và Nhà nước không thu học phí.
Trước đó, tại khoản 1, Điều 105 Luật Giáo dục năm 2005 từng quy định rất rõ về học phí, lệ phí tuyển sinh: "Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác".
Bên cạnh đó tại Điều 6, Nghị định số 86/2015 ban hành ngày 2-10-2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 quy định về đối tượng không phải đóng học phí như sau: "Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Học sinh tiểu học; học sinh, sinh viên sư phạm; người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học".
Mới đây nhất tại khoản 3, Điều 99 Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 tiếp tục kế thừa tinh thần của Hiến pháp 2013, quy định rõ: “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”.
Rõ ràng, từ nhiều năm nay, học sinh tiểu học tại trường công lập trên cả nước đều không phải đóng học phí. Toàn bộ ngân sách hoạt động của các trường tiểu học vẫn do Nhà nước chi trả. Còn một số khoản đóng góp khác nằm ngoài học phí sẽ do trường và phụ huynh tự thoả thuận trên cơ sở tự nguyện.
Theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội học sinh các trường công lập tại Hà Nội sẽ đóng góp một số khoản tiền vào đầu năm học như:
Tiền phục vụ bán trú hay gọi là tiền ăn (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) theo thỏa thuận của phụ huynh với nhà trường.
Tiền trang thiết bị phục vụ bán trú tối đa 150.000 đồng/học sinh/năm đối với học sinh mầm non, 100.000 đồng/học sinh/năm đối với học sinh tiểu học và THCS. Theo đó, số tiền này sẽ được chi dành cho bữa ăn của học sinh tại trường; bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ công tác bán trú; trang bị cơ sở vật chất cần thiết.
Tiền học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học tối đa 100.000 đồng/học sinh/tháng. Khoản tiền này sẽ dùng để bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia dạy 2 buổi/ngày, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể, mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng học tập, điện, nước, vệ sinh…
Tiền nước uống để mua nước uống tinh khiết phục vụ học sinh, phụ huynh sẽ đóng 12.000 đồng/tháng đối với học sinh tất cả các cấp học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên).
Tiền bảo hiểm y tế học sinh trong năm học 2019-2020 là 46.935 đồng/tháng.
Theo Nhi Nhi
https://baoangiang.com.vn/hoc-sinh-tieu-hoc-cong-lap-duoc-mien-hoc-phi-tu-khi-nao-a277253.html