Phát triển khoa học công nghệ trong lâm nghiệp
(Chinhphu.vn) - Những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019 đạt trên 11,3 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,77 tỷ USD bằng 84% xuất siêu ngành nông nghiệp và bằng 7,88% của cả nước.
Khoa học lâm nghiệp đã giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái,- Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Nâng cao chất lượng rừng từ phát triển công nghệ
Ngày 26/6 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ lâm nghiệp: Thành tựu và định hướng phát triển".
Các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng và tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học ngày càng cao, phục vụ sản xuất lâm nghiệp ngày càng hiệu quả.
Nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn, tạo và phát triển trong sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.
GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và ban hành rất nhiều chính sách lớn cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Thành tựu đạt được của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong 75 năm qua đã khẳng định khoa học công nghệ thực sự là động lực trực tiếp thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Linh hoạt mục đích nghiên cứu từ nền tảng khoa học
Thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2008-2020, ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu và công nhận được 277 giống cây lâm nghiệp, 61 tiêu chuẩn và 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng. Điều này đã đưa năng suất rừng trồng đạt năng suất bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm.
Đến nay ngành lâm nghiệp cũng đã công nhận 163 tiêu chuẩn và 15 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã ứng dụng vào sản xuất, mang lại kết quả, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho ngành lâm nghiệp.
Ngành lâm nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh hại rừng…
Những nghiên cứu hiệu quả gắn với từng khâu sản xuất, chế biến, từng sản phẩm, dịch vụ môi trường rừng. Kết quả nghiên cứu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta đạt trên 11,3 tỷ USD năm 2019 với giá trị xuất siêu đạt trên 8,7 tỷ USD, chiếm 84% giá trị xuất siêu của lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu làm cơ sở xây dựng nhiều chính sách quan trọng cho ngành.
Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Văn Điển, những nghiên cứu khoa học lâm nghiệp thời gian vừa qua mới chỉ tập trung cho ứng dụng và triển khai góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành, các nghiên cứu cơ bản còn ít được quan tâm nên chưa tạo được nền tảng cơ sở khoa học cho một số lĩnh vực như: hệ sinh thái rừng tự nhiên, công nghệ cao trong chọn tạo giống, chế biến và bảo quản lâm sản…
Cơ cấu cây trồng, giống cây trồng lâm nghiệp chưa được đa dạng hóa; rừng tự nhiên còn ít được quan tâm; tiềm năng sản xuất nông lâm kết hợp rất lớn nhưng chưa được tận dụng và khai thác tốt để nâng cao giá trị gia tăng của rừng.
GS.TS Phạm Văn Điển cũng lưu ý thêm: “Nghiên cứu khoa học, công nghệ lâm nghiệp cần tập trung ưu tiên vào phục vụ quản lý, sản xuất, thị trường, hội nhập. Các viện, trường cần liên kết doanh nghiệp trong đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao. Các chương trình khoa học công nghệ cần cơ cấu lại theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; đồng thời xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ”.
Các viện, trường, trung tâm cần có các vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thật sự và có thể phổ biến rộng rãi.
Ngoài nguồn tài chính từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia: tài trợ, cho vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ. Các viện, trường có thể đề xuất Bộ thành lập Quỹ Phát triển khoa học nông lâm nghiệp.
Theo Đỗ Hương
http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-trong-lam-nghiep/399035.vgp