Giáo dục trẻ bằng đòn roi liệu có còn phù hợp?
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về clip một người cha ở Sóc Trăng đánh con gái 5 tuổi của mình một cách tàn nhẫn vì con đổ gạo vào cát để chơi. Người cha bị khởi tố. Những đứa trẻ thực sự đáng thương! Câu chuyện dấy lên một luồng tranh cãi rằng giáo dục con có nên dùng đòn roi và nếu có thì ở mức độ nào? Câu trả lời thuộc về mỗi bậc làm cha, mẹ!
Gia đình chị Trần Lê Bảo Khánh, anh Đỗ Thanh Phong chọn cách dạy con không đòn roi. Anh chị lắng nghe, giải thích và phạt khi con làm sai nhưng không phải đánh đòn hay la mắng nặng lời
“Trị” con!
Xinh 3 tuổi, sống cùng cha mẹ tại một khu trọ ở phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An. Em khá lanh lợi, thích giao tiếp. Nhưng khi chơi với bạn cùng trang lứa, em thường ức hiếp các bạn yếu thế và tỏ ra sợ hãi với những người “mạnh” hơn. Cha mẹ Xinh rất yêu con nhưng khá nghiêm khắc khi em phạm lỗi. Xinh thường bị phạt roi, bị mẹ mắng, thỉnh thoảng bị đóng cửa nhốt ngoài cửa phòng (trong khoảng vài phút). Xinh rất sợ và nghe lời cha mẹ. Có lần, cô bé muốn ra ngoài chơi cùng người hàng xóm trong dãy trọ nhưng mẹ lên tiếng không đồng ý, Xinh chỉ đứng ở bậc cửa nhìn ra, tuyệt nhiên không dám bước chân qua khỏi cửa.
Với cha mẹ Xinh, đó là cách họ chọn để bảo vệ và giáo dục con mình. Cũng có nhiều phụ huynh lựa chọn giáo dục con bằng đòn roi hoặc đe dọa con. Cậu bé Tân (4 tuổi, ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) khá hiếu động, thích khám phá mọi thứ và có cá tính mạnh. Tân thường phản ứng rất dữ dội những việc trái ý mình. Em cũng hay đánh nhau khi chơi cùng bạn. Với gia đình, Tân bị đánh giá là “lì” nên thường “trị” bằng đòn roi hoặc những biện pháp mạnh khác. Tuy nhiên, dường như những điều đó không cải thiện được tính cách của Tân. Em vẫn là một đứa trẻ “ương bướng” trong mắt người thân của mình.
Yêu thương không chỉ bằng lời nói
Đánh đòn có thực sự là một cách giáo dục tốt và liệu có phải là duy nhất trong hành trình làm cha mẹ? Thực ra là không, nhiều phụ huynh chọn cách dạy con không đòn roi. Với những lỗi lầm của trẻ, cha mẹ phạt: Khoanh tay, úp mặt vào tường hoặc không được chơi đồ chơi yêu thích,... Kèm theo đó là giải thích nhẹ nhàng với con.
Chị Trần Lê Bảo Khánh (phường 7, TP.Tân An) vẫn thường ôm con trai sau mỗi lần con nổi giận, quấy khóc. Thường với những đòi hỏi không thể đáp ứng của con, anh chị chọn cách im lặng theo dõi cơn thịnh nộ của con. Đến khi con dịu lại, chị ôm con vào lòng, nhẹ nhàng giải thích. Với anh chị, dạy con là không đòn roi. Chị Khánh chia sẻ: “Tôi chọn dạy con không đòn roi vì ngày bé mình cũng chẳng thích bị đánh đòn. Từ khi có Xu và Py, tôi quan tâm tìm hiểu về cách dạy con. Thông tin có nhiều trên sách, báo và Internet. Tôi chọn lọc cách làm phù hợp với gia đình mình”.
Chị Khánh sợ nếu áp dụng đòn roi sẽ khiến con trở nên nhút nhát, thiếu tự tin. Anh chị chọn cách lắng nghe, giải thích và phạt nhưng không phải đánh đòn hay la mắng nặng lời. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cả chị Khánh và anh Đỗ Thanh Phong (chồng chị) phải học tính kiên nhẫn rất nhiều. Với áp lực cuộc sống, sự bận rộn khiến cha mẹ không có nhiều thời gian để quan tâm, lắng nghe, thấu cảm với con. Cha mẹ rất dễ nổi nóng với những hành vi chưa đúng của con. Chị Khánh chia sẻ, chị phải luôn thường trực trong đầu suy nghĩ “không đánh con” để tự nhắc nhở và kiềm chế mình khi nổi nóng. Chị cũng dành nhiều thời gian cho con vào dịp cuối tuần, cả nhà cùng nhau đi dạo phố, cà phê để mẹ con có cơ hội vui chơi cùng nhau.
Xu khá vui vẻ, hoạt bát và “dẻo miệng”. Cậu bé khá tình cảm và tỏ ra trưởng thành hơn tuổi. Chưa bao giờ Xu bị cha mẹ đánh, mắng nặng lời. Em thích dụi đầu vào người mẹ thì thầm một điều gì đó chỉ có mẹ nghe và hiểu rõ, rồi hai mẹ con cùng cười. Nụ cười hạnh phúc!
Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng yêu thương con mình và cố gắng cho con những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, việc giáo dục con theo hình thức nào là do cha mẹ tự mình lựa chọn. Chỉ mong rằng, lựa chọn đó không gây ảnh hưởng gì đến con.
Trong xã hội ngày nay, khi Internet phát triển rộng rãi, thông tin trở nên dễ tìm kiếm và tiếp cận, các bậc làm cha, mẹ cũng nên dành thời gian tìm hiểu, chọn cách giáo dục con tốt nhất, đừng chỉ áp dụng kinh nghiệm của những thế hệ trước vì đã không còn phù hợp.
Trẻ chỉ có thể lớn lên một cách hạnh phúc và phát triển toàn diện trong môi trường đầy ắp tình yêu thương. Mỗi bậc làm cha, mẹ không thể chỉ nói “yêu con” là được, bởi đứa trẻ cần cảm nhận được tình yêu đó để tự tin và hạnh phúc.
"Sau một thời gian bị bạo lực bé trở nên nhút nhác, rụt rè. Nhưng về sau bé sẽ "trút lên" những bé yếu thế hơn. Và đặc biệt, cách người lớn dạy bé đánh, la vật/vị trí làm đau bé lúc bé té hay va vào đó sẽ khiến bé làm y như vậy vào lần sau. Không những với đồ vật mà với cả con người. Giáo dục các bé tôi chọn theo quan điểm "vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương". Tàn nhẫn không phải là đánh, la trẻ mà là hướng trẻ đến sự tự ý thức, tự lập, tự giải quyết vấn đề, như: Dọn đồ chơi, tự ăn uống,… Bé chưa biết thì sẽ cầm tay chỉ việc"./. Cô Võ Hoàng Quế Anh - giáo viên can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt |
Theo Phương Phương
http://baolongan.vn/giao-duc-tre-bang-don-roi-lieu-co-con-phu-hop-a96717.html