Tuyển sinh ĐH-CĐ 2020 ổn định, không gây xáo trộn
(Chinhphu.vn) - Đây là nội dung được thống nhất tại hội nghị trực tuyến của Bộ GD&ĐT với các cơ sở giáo dục đại học về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2020, sáng 8/5.
Công tác tuyển sinh cần tạo tâm lý bình an và niềm tin cho xã hội. Ảnh: Báo GD&TĐ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Hội nghị nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học hiểu rõ hơn về những quy định trong Quy chế tuyển sinh 2020; từ đó thống nhất hành động, tạo hiệu ứng tốt về công tác tuyển sinh và có kế thừa của năm 2019. Đồng thời thống nhất nhận thức và hành động thực hiện tốt kỳ tuyển sinh năm 2020.
Về cơ bản, công tác tuyển sinh năm nay giữ ổn định, tạo sự yên tâm cho học sinh. Các trường đại học được quyền tự chủ tuyển sinh nhưng phải theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường. Việc tổ chức thi tuyển sinh riêng phải theo chuẩn, có ngân hàng câu hỏi, đảm bảo các điều kiện tổ chức công khai minh bạch, có sự giám sát.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chủ động của các trường ĐH trong công tác tuyển sinh nhưng cũng yêu cầu các trường phải thống nhất, xem xét, nghiên cứu kỹ về phương án tuyển sinh của trường mình trước khi thông tin đến xã hội, tránh để học sinh hoang mang.
Tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng phải bảo đảm chất lượng theo quy định và bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch, bình đẳng giữa các trường với nhau. Khi đã tổ chức kỳ thi riêng, các trường phải có bộ phận chuyên trách, cùng với nhiều điều kiện khác về nhân lực, vật lực và tổ chức… Không đơn giản nói thi là thi.
Tự chủ phải có quản lý Nhà nước. Trách nhiệm của Nhà nước là định hướng để bảo đảm chất lượng và tính ổn định trong hệ thống.
Khẳng định đầu vào chỉ là một khâu trong quy trình đào tạo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, thay vì bàn nhiều về môn học, tổ hợp xét tuyển thì chúng ta cần dự báo về ngành nghề và thế mạnh của từng ngành nghề để cung cấp cho thí sinh. Ngoài ra, cần chú trọng tư vấn hướng nghiệp.
Các trường cần nghiên cứu kỹ cả về cơ sở khoa học cũng như thực tiễn để có đề xuất tổ hợp xét tuyển. Trong đề án tuyển sinh, những tổ hợp truyền thống thì kế thừa, có thể đề xuất tổ hợp mới nhưng cần đánh giá kỹ nhằm đảm bảo tính khoa học. Tránh đưa ra tổ hợp xét tuyển được 1 - 2 năm rồi lại thôi.