Học sinh nghỉ học, thầy cô có được nghỉ?
Nhiều ý kiến cho rằng giáo viên vẫn được nhận nguyên lương trong khi không phải đứng lớp, học sinh nghỉ học dài hơi để phòng dịch bệnh là vô lý. Nhưng thực tế, giáo viên vẫn phải làm việc hằng ngày
Học sinh cả nước đang có một kỳ nghỉ dài, nghỉ Tết nguyên đán cộng với nghỉ bắt buộc để chống sự lây lan của Covid-19 đã hơn một tháng. Trong thời gian học sinh nghỉ, giáo viên vẫn phải đến trường, lên các phương án để đón học sinh trở lại trường để các em không bị "sốc" khi làm quen lại với nhịp độ học tập căng thẳng trước đó.
Giáo viên áp lực vì... nghỉ dài
Nhiều thầy cô cho biết học sinh được nghỉ không có nghĩa là giáo viên cũng được nghỉ, nhiều trường, giáo viên vẫn phải đến trường làm công tác vệ sinh, phòng dịch, hoặc hướng dẫn học sinh học tại nhà. Thậm chí, trong giai đoạn này, giáo viên rất áp lực vì nghỉ đột xuất và kéo dài. Giáo viên phải dựng video bài giảng, phải đọc thắc mắc của học sinh để giải đáp, chấm bài, sửa bài, căng thẳng hơn dạy trực tiếp... Nên nói học sinh nghỉ thì giáo viên không được nhận nguyên lương là không cảm thông cho nghề giáo.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), chia sẻ không có một văn bản nào quy định học sinh được nghỉ nghĩa là giáo viên cũng sẽ được nghỉ. Thực tế, tuần nào giáo viên cũng phải họp cùng ban giám hiệu, nắm bắt tình hình học sinh liên tục để báo cáo, tập huấn phòng chống dịch bệnh, dạy học trực tuyến, đôn đốc học trò làm bài tập, làm khảo sát. Thăm dò tình hình sức khỏe của học sinh để báo cáo cấp trên. Thực ra, giáo viên vẫn làm việc, chỉ là thay đổi cách làm việc bằng trực tuyến, vai trò của giáo viên thời điểm này không trực diện, nhưng cũng làm việc chứ không phải là nghỉ.
Giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
vệ sinh trường lớp trong thời gian học sinh nghỉ học
"Có những lúc văn bản chỉ đạo khẩn cấp yêu cầu có ý kiến phụ huynh thì giáo viên phải liên lạc trực tiếp đến phụ huynh dù bất kỳ trong khoảng thời gian nào. Thầy cô đồng loạt làm việc, kịp thời đáp ứng yêu cầu của sở, thống kê học sinh đi nước ngoài thì thầy cô cũng muốn nắm rõ những thông tin đó. Thầy cô tổ trưởng còn phải thay nhau trực trường, vẫn làm việc liên tục chứ không ngưng, phải thống nhất nội dung ôn tập. Giáo viên rất quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh để cùng sát cánh với TP chống dịch bệnh" - thầy Phú nhận định.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cũng cho rằng hằng ngày, giáo viên cố gắng chuẩn bị những bài học cần thiết cho thời điểm trở lại trường của học sinh, không có việc học sinh được nghỉ giáo viên cũng được nghỉ. Ví dụ, những bài sắp kiểm tra thì giáo viên giúp học sinh ôn, phải chuẩn bị nhiều phương án nhưng trước hết là ôn tập bổ sung bài cũ. Cách thức tổ chức thường sẽ quay phim lên mạng, có giáo viên tổ chức lớp học trực tuyến, nhắc nhở học sinh ôn bài từng ngày.
Nghiên cứu giáo án, chuẩn bị dạy bù
Thầy Võ Kim Bảo cho biết khi quay trở lại trường học, giáo viên chưa biết được kế hoạch học tập sẽ ra sao nên thầy cô giáo phải chuẩn bị hết các phương án, chuẩn bị cho kiểm tra, dạy bù bài. Do luôn trong tâm thế trở lại trường dạy nên giáo viên cũng chủ động lên giáo án, chuẩn bị bài giảng, lên kế hoạch dạy học, viết báo cáo, hoàn tất nhiều hồ sơ, sổ sách, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Cùng lúc, phải chuẩn bị nhiều giáo án, trong trường hợp có dạy bù, không dạy bù, các bài kiểm tra sẽ được lưu ý như thế nào.
Ngoài ra, giáo viên đến trường để chuẩn bị phân công trực ở cổng để đo thân nhiệt cho học sinh, rửa tay cho các em, tập huấn xử lý những tình huống khẩn cấp. Mỗi một tổ chuyên môn phải có nhóm làm việc, cập nhật những nội dung cần chuẩn bị, giáo viên phải báo cáo liên tục. "Phụ huynh chỉ thấy việc giáo viên đứng trên bục giảng chứ không hiểu hết được những công việc phía sau đó, rất nhiều áp lực trong thời gian này" - thầy Bảo tâm sự.
Hiện tại, khối lớp 1 đang trong giai đoạn tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới và đang chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa nên giáo viên vẫn lên trường thường xuyên để họp chuyên môn. Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú), cho biết trong thời gian học sinh mới được nghỉ, giáo viên lên trường để vệ sinh lớp học, nghe tuyên truyền về dịch bệnh để thông tin đến phụ huynh học sinh. Sau khi vệ sinh trường lớp, giáo viên họp chuyên đề như lịch đã sắp xếp từ đầu năm. Giáo viên tận dụng thời gian này để tìm hiểu sách giáo khoa mới, chuẩn bị những bước cần thiết cho việc lựa chọn sắp đến. Thực tế, giáo viên không được nghỉ, lùi thời gian học lại một tháng thì giáo viên cũng phải dạy thêm một tháng.
Dạy trực tuyến: Cần thời gian "Việc dạy học bằng những phương pháp trực tuyến đến nay chỉ là để giải quyết vấn đề hiện tại chứ chưa thực sự có hiệu quả. Bởi, cả giáo viên và học sinh vẫn chưa quen với hình thức mới này, nó chỉ thực sự hiệu quả với những em có ý thức tự giác học. Mỗi giáo viên đang rất cố gắng nâng cao hiệu quả của phương pháp này nhưng cần có thời gian" - thầy Võ Kim Bảo nêu quan điểm. |
Bài và ảnh: Nguyễn Thuận
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-sinh-nghi-hoc-thay-co-co-duoc-nghi-2020030121505573.htm