Có thể thi THPT quốc gia vào tháng 7
Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ diễn ra vào tháng 7-2020 thay vì tháng 6 như dự kiến ban đầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia phù hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang xây dựng các phương án thi THPT quốc gia vào tháng 7-2020, lùi lại so với lịch thi hằng năm là cuối tháng 6-2020.
Sẽ chọn ngày thi phù hợp
Dịch Covid-19 đang khiến hàng triệu học sinh, sinh viên (HS-SV) cả nước đồng loạt nghỉ học. Việc này khiến Bộ GD-ĐT phải lên kế hoạch kéo dài thời gian năm học 2019-2020 từ 2-3 tuần, đồng nghĩa với kỳ thi quan trọng nhất trong năm là kỳ thi THPT quốc gia sẽ phải lùi lại với thời gian tương ứng.
Một đại diện của Bộ GD-ĐT cho hay bộ đã xây dựng các phương án thi THPT quốc gia để trình Chính phủ. Kỳ thi sẽ được tổ chức trong tháng 7-2020, song ngày thi chính thức chưa được quyết định vì còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
"Bây giờ phải xác định được thời gian kết thúc năm học thì mới tính được thời gian thi" - một nguồn tin từ Bộ GD-ĐT cho hay. Vị này cũng nói thêm việc UBND TP HCM kiến nghị cho HS-SV, học viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghỉ học hết tháng 3-2020. Điều chỉnh học kỳ II năm học 2019-2020 bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7 và dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7 không dễ thực hiện vì kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức toàn quốc, không thể theo từng địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho hay căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn về thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia phù hợp. Hướng dẫn này sẽ có trước khi HS quay lại trường, để các địa phương điều chỉnh quỹ thời gian học bù.
Học sinh TP HCM thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: TẤN THẠNH
Giữ ổn định phương thức thi
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, HS lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, bảo đảm kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa tiêu cực thi ở tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi...
Đề thi THPT quốc gia nằm trong nội dung chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Trinh, đề thi cũng bảo đảm có độ phân hóa phù hợp để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Ông Trinh cho hay trong các năm qua, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh về phương thức thi, nội dung thi, trong đó chú trọng đến cách tiếp cận với định hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học, gắn kiến thức với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, khuyến khích HS có suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Việc chuẩn hóa câu hỏi thi trong kỳ thi THPT quốc gia với các bài thi hướng dần tới việc đánh giá toàn diện HS cũng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Vì sao Sở GD-ĐT TP HCM đề nghị dời lịch? Một cán bộ của Sở GD-ĐT TP HCM cho biết việc sở đưa ra kiến nghị lùi kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7-2020 dựa trên tình hình nghỉ học chung của cả nước. Nếu kết thúc năm học 2019-2020 muộn hơn so với kế hoạch thì việc lùi các kỳ thi quan trọng sẽ thuận tiện hơn cho HS. Đây chỉ là phương án đồng bộ cho HS cả nước vì lãnh đạo các ban, ngành cũng đã phải có phương án cụ thể với các tỉnh khác như Vĩnh Phúc. Đối với các trường ĐH đã tự chủ sẽ không ảnh hưởng nhiều, có thể linh động sắp xếp được. Phải dựa vào tình hình chung của cả nước để đánh giá, đưa ra phương án chứ không riêng TP HCM. Ngoài ra, kiến nghị trên nhằm giúp các đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học và có sự đồng bộ thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 trong cả nước. Đồng thời, chuẩn bị tốt cho năm học 2020-2021, giúp phụ huynh và HS an tâm, chủ động sắp xếp công việc, sinh hoạt, học tập. N.Thuận |
Lùi kỳ thi về cuối tháng 7 sẽ gây xáo trộn lớn Đại diện các trường ĐH cho rằng điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia 2020 cần cân nhắc nhiều yếu tố để tránh làm xáo trộn lớn ảnh hưởng đến HS, đến kế hoạch đào tạo của các trường ĐH. Việc dời thời gian học kỳ II về từ tháng 4 đến tháng 7 có lẽ không khó khăn nhiều đối với những lớp không phải là cuối cấp nhưng với lớp cuối cấp như khối 12 thì việc dời thời gian học kỳ II như trên và kỳ thi THPT quốc gia tổ chức cuối tháng 7 sẽ khó khăn vô cùng, bởi sau kỳ thi còn có hàng loạt công việc tiếp theo chắc chắn sẽ gây xáo trộn đến mức rất khó để sắp xếp. Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM nhìn nhận lâu nay, kỳ thi THPT quốc gia thường được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 6 để sau đó là hàng loạt công việc tiếp theo như chấm thi, cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, các trường ĐH xác định điểm trúng tuyển, thông báo thí sinh làm thủ tục trúng tuyển, nhập học... Với quy trình này, các trường thông báo điểm trúng tuyển từ ngày 1-8 và làm thủ tục trúng tuyển đến hết ngày15-8, sau đó các trường gọi nhập học rồi khai giảng để ổn định công tác đào tạo từ tháng 9. Nay, nếu kỳ thi dời về cuối tháng 7, nghĩa là trễ 5 tuần thì sớm nhất đầu tháng 10 mới bắt đầu tổ chức đào tạo như vậy là quá trễ. Chưa kể, với những HS chờ kết quả tốt nghiệp THPT để đi du học thì cũng trễ. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam, cho rằng điều chỉnh thời gian năm học là rõ rồi vì lẽ ra HS đã trở lại trường từ ngày 3-2 nhưng nay đã đồng loạt nghỉ hết tháng 2 (trễ 3 tuần). Nghỉ tiếp tháng 3 hay không còn tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo và cần nhớ rằng đến lúc này, TP HCM vẫn không phải là nơi bùng phát dịch bệnh, cũng không có trường hợp nào bệnh lây lan trong cộng đồng mà chỉ có 3 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm từ nơi khác về điều trị tại TP. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng ở thời điểm này mà kiến nghị nghỉ hết tháng 3 là không có căn cứ. Việt Nam tuy có ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng không đến mức phải cho HS-SV nghỉ học. Dẫu vậy thì HS-SV cũng nghỉ hết tháng 2 và không nên nghỉ tiếp tháng 3. Nếu nghỉ tiếp sẽ xáo trộn toàn bộ từ công việc của những phụ huynh có con nhỏ đến kế hoạch tổ chức năm học của các cơ sở đào tạo. TS Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị nếu từ nay đến hết tháng 2, TP vẫn không có trường hợp nào bị dịch bệnh thì HS vẫn có thể đi học trở lại từ tháng 3. Trong năm học còn có 2 tuần dự trữ, nếu sử dụng quỹ thời gian này cùng với việc tăng tiết thì chắc chắn không cần phải kết thúc năm học vào tháng 7 mà vẫn có thể kết thúc vào tháng 5 như mọi năm. Còn nếu kết thúc vào tháng 7, thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7 thì ảnh hưởng đến hàng loạt công việc tiếp theo, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường ĐH, CĐ không chỉ năm nay mà ảnh hưởng đến các năm tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhận định việc sắp xếp thời gian biểu học tập để bù cho 2 tháng không đơn giản. Kế hoạch học tập hằng năm chỉ có 2 tuần dự trữ cùng với các kỳ thi cuối cấp, ngành giáo dục sẽ khó xoay xở. Chưa kể, việc nghỉ học kéo dài sẽ khiến HS bị hụt kiến thức và giảm động lực học tập. Ông Ngai đề xuất ngành giáo dục cân nhắc kỹ, có thể cuối tháng 2 xem xét diễn biến dịch bệnh, tham khảo ý kiến ngành y tế và cấp trên để đưa ra quyết định. Huy Lân |
Theo Yến Anh
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/co-the-thi-thpt-quoc-gia-vao-thang-7-20200218224846398.htm