Việt Nam có thể sản xuất được bao nhiêu khẩu trang vải trong dịch corona?
(NLĐO) - Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị nghiên cứu có văn bản hướng dẫn các công ty dệt may sản xuất và cung cấp ra khẩu trang vải thông thường, tránh lãng phí.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết đoàn công tác của bộ (do Cục Công nghiệp chủ trì) đã làm việc với 4 doanh nghiệp (DN) và 1 trường đại học trong lĩnh vực sản xuất dệt may để nắm bắt năng lực sản xuất khẩu trang vải hiện nay. Theo đó, 5 đơn vị đều ủng hộ và cam kết điều chuyển một phần năng lực sản xuất để sản xuất khẩu trang vải (bao gồm khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang vải thông thường) để phục vụ cộng đồng.
Một DN sản xuất khẩu trang trong nước - Ảnh: Hoài Dương
Cụ thể, Công ty Dệt kim Đông Xuân trước đây sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn với công suất 15.000-20.000 chiếc/ngày để phục vụ cán bộ công nhân viên và bán ra thị trường. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có thể tăng lên 250.000-300.000 chiếc mỗi ngày.
Công ty CP Babu Việt Nam sản xuất khẩu trang cho trẻ em từ vải bamboo kháng khuẩn với công suất 20.000 chiếc/ngày, nay có kế hoạch cung cấp miễn phí khẩu trang kháng khuẩn cho một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội.
Tại Công ty CP Dệt may và Thương mại Minh Trí, lãnh đạo công ty khẳng định có thể sản xuất và cung cấp hoàn toàn miễn phí (thông qua đầu mối là Bộ Công Thương) với số lượng 1 triệu khẩu trang vải/tuần. Tuy nhiên, DN này đề nghị được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu vải phối hợp, hỗ trợ.
Công ty may Sài Đồng sẵn sàng dừng các đơn hàng trong nước, tập trung sản xuất khẩu trang vải với công suất khoảng 7.000 khẩu trang/ngày.
Ngoài ra, Trường Đại học Dệt May Hà Nội sẵn sàng huy động cán bộ công nhân viên và 2.000 sinh viên ngành may tham gia sản xuất khẩu trang vải với công suất khoảng 20.000 khẩu trang/ngày.
Bên cạnh các đơn vị nêu trên, Cục Công nghiệp cho biết đã liên hệ với nhiều DN dệt may trong cả nước để trao đổi và nắm bắt thông tin về năng lực cung ứng khẩu trang vải, tình hình và khả năng cung ứng nguyên liệu để sản xuất khẩu trang vải.
Kết quả sơ bộ, trong trường hợp dịch chưa phức tạp, các DN dệt may một mặt vẫn duy trì sản xuất đơn hàng quần áo và các sản phẩm dệt may theo đơn hàng đã ký với khách hàng, một mặt có thể bố trí thiết bị, nguyên liệu và nhân lực để sản xuất khẩu trang phục vụ cộng đồng. Năng lực sản xuất khẩu khẩu trang vải đạt 2 triệu chiếc/ngày (có tính đến năng lực sản xuất vải), trong đó có 700.000 khẩu trang từ vải kháng khuẩn.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, có thể huy động các DN giãn các đơn hàng quần áo và các sản phẩm dệt may đã ký với khách hàng. Khi đó, năng lực sản xuất có thể đạt 15 triệu khẩu trang vải/ngày, trong đó có 1 triệu khẩu trang từ vải kháng khuẩn.
Liên quan đến vấn đề quy chuẩn, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn các công ty dệt may sản xuất và cung cấp ra thị trường khẩu trang vải thông thường, khẩu trang vải kháng khuẩn theo hướng bảo đảm sử dụng loại vải phù hợp, đạt yêu cầu y tế, hữu ích cho cộng đồng. Từ đó, chính thức đưa khẩu trang vải thông thường, khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường, phục vụ tốt nhất cho cộng đồng, tránh lãng phí.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn người dân cách sử dụng khẩu trang vải đúng cách và phù hợp với từng đối tượng, trường hợp, môi trường.
Ngoài ra, ngành công thương cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn và hỗ trợ các DN dệt may để nhanh chóng tiến hành các quy trình, hoạt động đăng ký hợp chuẩn, hợp quy, ... để chính thức đưa khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang có khả năng phòng dịch ra thị trường; hỗ trợ thêm nhiều DN có thể sản xuất vải kháng khuẩn phục vụ may khẩu trang.
Liên quan đến khẩu trang y tế, Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục đôn đốc DN sản xuất và hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế Trung Quốc, cụ thể là từ: Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ... "Tuy nhiên, do nguyên liệu đầu vào tăng cao nên một mặt động viên DN nâng cao trách nhiệm xã hội, mặt khác cũng cần tính tới việc cho phép nâng giá khẩu trang bán ra ở mức tương ứng tăng giá nguyên liệu" - đại diện Bộ Công Thương nói.
TP HCM: Kết nối DN sản xuất với DN nhập khẩu nguyên liệu Tại TP HCM, cuộc làm việc của Sở Công Thương TP với 13 DN sản xuất khẩu trang trên địa bàn ngày 4-2 ghi nhận năng lực sản xuất của 13 DN là 1.655.000 chiếc/ngày. Ngoài ra, theo số liệu của Sở Y tế, hệ thống Pharmacity có khả năng cung cấp khoảng 130 triệu chiếc khẩu trang trong tháng 2 này. Sở Công Thương TP sẽ phối hợp Cục Hải quan TP lấy danh sách DN nhập khẩu nguyên liệu (vải không dệt). Đồng thời, sẽ tổ chức kết nối DN sản xuất với DN nhập khẩu nguyên liệu. Đơn vị này cũng đề xuất Sở Tài chính TP tham mưu UBND TP xác định cơ cấu giá của mặt hàng khẩu trang y tế để đưa mặt hàng này vào chương trình bình ổn thị trường, nhằm được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. |
Theo Phương Nhung