Vì sao sinh viên Việt Nam không làm được sản phẩm công nghệ đột phá?
(NLĐO) – Sinh viên Việt Nam đang nói rất nhiều đến sự sáng tạo về trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain, công nghệ nền tảng (deep tech) và rất nhiều start-up công nghệ, nhưng thực sự có bước tiến nào đột phá sử dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề hằng ngày hay không?
Đó là câu hỏi trọng tâm được các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2019, do Hội Doanh nhân trẻ TP HCM phối hợp Startup Việt tổ chức dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM. Sự kiện thu hút hơn 700 sinh viên từ các trường ĐH khắp cả nước.
Mô hình nhà mang công nghệ cao của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
Từ năm 2015 đến nay, sinh viên Việt Nam đã cho ra đời hàng loạt mô hình start-up công nghệ, nhiều thế hệ sinh viên trẻ được làm việc tại những tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, Microsoft. Nhưng thực tế, chưa có sản phẩm nào đột phá mạnh mẽ.
Chia sẻ thẳng thắng vấn đề này, chị Lê Diệp Kiều Trang, cựu Giám đốc Facebook Việt Nam cho rằng, rất nhiều kỹ sư công nghệ của Việt Nam đã có thể bán sản phẩm ra toàn cầu, nhiều giải thưởng công nghệ uy tín đã được trao cho sinh viên các trường ĐH tại Việt Nam, không thể phủ nhận sự sáng tạo của người Việt trong công nghệ, nhưng đó chưa phải là bước tiến mạnh mẽ. Phải đặt ra câu hỏi, sáng tạo công nghệ để làm gì,đưa ra thế giới để làm gì trong khi chúng ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về rác thải, lượng phát sinh khí CO2, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM lên đến mức nhiễm độc, thiếu nguồn lương thực và cháy rừng, những sáng tạo công nghệ đó vẫn chưa thể giải quyết những vấn đề thực tế hằng ngày.
"Nếu chúng ta giảm 30% lượng khí CO2 phát sinh đến năm 2030 chúng ta sẽ cần 1,5 lần nguồn lực của trái đất đang cung cấp thì chúng ta mới có thể sống được. Có rất nhiều cái rất bình thường như làm sao để nấu bếp sạch và không phát sinh thêm khí CO2, có những thứ rất gần gũi nhưng các bạn sinh viên lại không nghĩ đến. Đã đến lúc những bạn sinh viên phải nhìn nhận và đánh giá lại những sản phẩm công nghệ của mình một cách nghiêm khắc và toàn diện, mở rộng tầm nhìn để thấu hiểu về tương lai" – chị Trang nhấn mạnh.
Nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHQG TP HCM sáng chế ra
gậy thông minh hỗ trợ người già
Để có thể "xuất khẩu" trí tuệ Việt Nam ra thế giới thì ngay trong tư duy của mỗi sinh viên phải bước ra khỏi vùng an toàn, nhìn nhận được thực sự thế giới đang cần gì. Theo GS. Vũ Ngọc Tâm, Đại học Colorado Boulder (Mỹ), sau khi tốt nghiệp, số lượng sinh viên biết chính xác mình sẽ làm gì và tri thức của mình đến đâu để thực hiện công việc mong muốn là rất ít. Đó lại là bước quan trọng nhất để xác định được chính xác giới hạn về mặt tri thức của mình. Các bạn sinh viên muốn phát triển, đặc biệt là phát triển trong lĩnh vực công nghệ thay đổi hằng ngày cần luôn luôn giữ "cái đầu mở", thay đổi tư duy, mở rộng tư duy, ranh giới địa lý không còn quan trọng khi chúng ta đang ở trong một thế giới phẳng.
Theo Nguyễn Thuận