Không thể tùy tiện trừng phạt học sinh
(Chinhphu.vn) - Ngay cả với đối tượng vi phạm là người lớn, thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng không thể áp dụng hình thức xử lý là bắt đọc bản kiểm điểm và quay clip để phát đi trên mạng xã hội.
Nam sinh lớp 8 đọc kiểm điểm trước trường - Ảnh từ clip
Phòng GD&ĐT quận Tân Bình, TP.HCM, vừa yêu cầu trường THCS Ngô Quyền kiểm điểm từng cá nhân trong vụ kỷ luật nam sinh lớp 8 xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc.
Trước đó, nhà trường đã kỷ luật học sinh này bằng cách yêu cầu em phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, sau đó quay clip và đăng tải trên mạng xã hội. Ngay khi clip này xuất hiện, đã gây ra một sự bất ngờ và quan tâm rất lớn.
Học sinh đang trong quá trình hình thành phát triển cả về thể chất, trí tuệ cũng như hình thành tính cách, quan điểm sống. Chính vì vậy đôi lúc nếu các em có những va vấp sai lầm cũng là chuyện có thể hiểu được.
Trong thời gian gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc lan truyền những tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc đang có lợi thế lớn. Chỉ trong vài nút bấm trên điện thoại hay trên máy tính, một bài hát một bản nhạc có thể được tải được nghe thậm chí là được share với tốc độ chóng mặt.
Và khi những hiện tượng xã hội xuất hiện, lẽ tất yếu sẽ có người yêu thích và ngược lại là những người không thấy phù hợp với sở thích của chính mình. Tất nhiên ở một lứa tuổi trưởng thành và chín chắn hơn, mỗi người sẽ biết cách hành xử hợp lý, với đa số các trường hợp nếu không thích, họ sẽ bỏ qua và hướng sự quan tâm đến những gì phù hợp, cần thiết với bản thân mình.
Thế nhưng trong câu chuyện này, một học sinh lớp 8 đã có lời lẽ không đúng mực khi nói về một ban nhạc.
Xét cho đến cùng, chuyện yêu ghét một ngôi sao, một diễn viên một ca sĩ hay một ban nhạc cũng chỉ là những câu chuyện bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, mỗi người cả khi thể hiện sự yêu ghét đó cũng cần đúng pháp luật, đúng chuẩn mực đạo đức.
Ngược lại, ngay cả khi cộng đồng những người hâm mộ ban nhạc có những yêu cầu học sinh này phải gỡ bỏ những gì cậu bé đã viết, cũng là chuyện hết sức bình thường. Song, yêu cầu này cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cách xử lý của nhà trường lại đem đến những điều bất thường.
Với lứa tuổi học sinh cấp 2, có nhiều em năng động mạnh dạn nhưng chắc chắn cũng sẽ có không ít những em, thậm chí còn có khó khăn khi đứng trước đám đông, đứng trước toàn trường để đọc bản thành tích chứ chưa nói đến việc phải đọc một bản kiểm điểm, bản xin lỗi.
Nhà trường với trách nhiệm của mình cũng chỉ có quyền nhắc nhở uốn nắn, thậm chí khi thì hành kỷ luật cũng chỉ có thể căn cứ vào những quy định hiện hành. Ngay cả với người lớn, thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng không thể áp dụng một hình thức xử lý như vậy, vì pháp luật không cho phép.
Việc bắt buộc một học sinh phải đứng trước toàn trường đọc bản kiểm điểm rồi quay clip tung mạng xã hội dường như là một hình phạt rất tùy hứng mà những người đứng đầu nhà trường đã đưa ra trong khi bị ảnh hưởng của cộng đồng những người hâm mộ ban nhạc.
Cùng với sự phát triển của xã hội văn minh loài người, ngay cả trong luật pháp, những chế tài cũng dịch chuyển dần từ mục đích ban đầu là trừng trị sang khắc phục và phòng ngừa.
Cả ở phương Đông và phương Tây những biện pháp giáo dục cũng nhanh chóng thay đổi theo hướng loại bỏ yếu tố mang tính trừng phạt, hướng đến việc nhắc nhở và trên hết là thu hút học sinh hướng về những xu hướng đúng đắn lành mạnh.
Dường như những lãnh đạo nhà trường có vẻ đã rất nhạy bén với những xu hướng mới của giới trẻ kể cả mạng xã hội song lại chưa thoát ly và loại bỏ những yếu tố cũ không còn phù hợp trong cách giáo dục con người.
Hình phạt của nhà trường chắc chắn sẽ còn khắc sâu vào em học sinh, như một hình phạt mà các em không đáng phải nhận. Hơn thế nữa, ngay cả với những em cùng trường trực tiếp “chứng kiến” bạn mình đọc kiểm kiểm, và cả với những em ngồi trước màn hình máy tính để xem qua mạng xã hội, câu chuyện cũng để lại những tác động không hề tích cực.
Khi học sinh sai trái, giáo viên và nhà trường có hình thức xử lý hợp tình hợp lý sẽ giúp các em nhìn nhận được sai lầm và sửa chữa, đồng thời giúp các em học sinh khác rút ra được bài học về cách hành xử đúng mực. Nhưng nếu hình phạt tùy tiện và bất hợp lý, học sinh sẽ bị tổn thương và hình phạt sẽ trở nên phản giáo dục.
Suy cho cùng, các hình thức xử lý phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm cho mỗi học sinh, mỗi con người đều trở nên hướng thiện và bao dung hơn với đồng loại, với người bên cạnh, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa con người với con người, chứ không phải để khắc sâu tâm lý đối đầu hay thù nghịch.
Theo Quang Lê