Những điều cần biết về bệnh Whitmore
Melioidosis hay bệnh Whitmore là bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác và có thể gây tử vong nhanh chóng.
Khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được làm xét nghiệm phát hiện vi khuẩn sớm và dùng kháng sinh phù hợp
Bệnh Whitmore - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do “vi khuẩn ăn thịt người” Burkholderia pseudomalle gây ra. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất mơ hồ, khó chẩn đoán nên dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh khác như viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu,... Việc điều trị cũng rất khó khăn, phải dùng kháng sinh liều cao điều trị tấn công trong 2 tuần, sau đó theo dõi và dùng kháng sinh duy trì trong 3-6 tháng tiếp theo. Dù được chẩn đoán đúng nhưng nếu không điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì bệnh dễ tái phát, gây suy kiệt sức khỏe và có thể tử vong.Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore lên đến 50-60%.
Bệnh Whitmore được ghi nhận rải rác từ những năm 1950 nhưng số lượng ít (có khoảng 20 ca bệnh trong vòng từ 5-10 năm) và được xếp vào nhóm căn bệnh bị lãng quên. Thời gian gần đây, bệnh Whitmore có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt vào thời điểm mưa nhiều (tháng 7-11 hàng năm). Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong tháng 8/2019, đã có 12 ca bệnh, trong đó có 4 ca tử vong. Các bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, vết thương bị nhiễm trùng nặng, chảy dịch có mùi hôi. Trường hợp nặng hơn thì bị vi khuẩn “ăn” mất cánh mũi.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng, vi khuẩn gây bệnh Whitmore ẩn trong đất, bùn và xâm nhập vào cơ thể người thông qua các vết thương hở; không dễ phát hiện những vùng có vi khuẩn gây bệnh Whitmore ẩn trong bùn, đất. Chính vì thế, người dân khi tiếp xúc với bùn, đất nên sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động để phòng tránh căn bệnh này. Đặc biệt, những người có các vết thương hở cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm.
Người dân khi tiếp xúc với bùn, đất nên sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động để phòng tránh bệnh Whitmore
Nếu bị nhiễm bẩn phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô. Khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường, phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và làm xét nghiệm nhằm phát hiện vi khuẩn sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Hiện Whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Vì vậy, ngành y tế phối hợp các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về nguyên nhân, tác hại và cách phòng, chống bệnh. Qua đó, giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh và không chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này./.
Theo Quang Nguyên - Thùy Minh/Báo Long An Online