Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh - Hình thành nhân cách tốt, lối sống đẹp
Xã hội ngày càng phát triển, học sinh (HS) được rèn luyện đạo đức, trang bị kỹ năng sống (KNS) sẽ hình thành lối tư duy tích cực, ứng xử đúng đắn. Do đó, các trường học cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức, KNS cho HS, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm học mới.
Những bài học về đạo đức, kỹ năng sống
Mỗi tháng, HS được học 1-2 tiết giáo dục đạo đức, KNS. Theo đó, HS được trang bị những kiến thức gần gũi, cần thiết trong cuộc sống thông qua những bài giảng, hoạt động vui chơi tập thể. Từ đó, HS biết cách ứng xử, xử lý tình huống trong thực tế cuộc sống hàng ngày.
Những danh nhân nổi tiếng trong mô hình “Hành lang danh nhân” là tấm gương sáng cho học sinh noi theo
Trường Tiểu học Châu Thị Kim (phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) luôn xem công tác giáo dục đạo đức, KNS là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong mỗi năm học. Bởi, lứa tuổi cấp 1, đặc biệt HS lớp 1 là những “trang giấy trắng”, cần được bồi đắp những điều hay, lẽ phải và KNS cơ bản để các em hình thành nhân cách tốt, lối tư duy tích cực, tự tin, mạnh dạn trong xử lý các tình huống gặp phải. Tùy theo cấp học, giáo viên (GV) chủ nhiệm - người phụ trách công tác này, chọn những bài học về đạo đức, KNS phù hợp cho HS.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Thị Kim - Nguyễn Thị Mến chia sẻ: “Một trong những bài học đầu tiên GV dạy HS là lễ giáo, cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, cha mẹ để các em hiểu thế nào là con ngoan, trò giỏi. Tiếp đó, GV dạy kỹ năng tự phục vụ, tự quản, hợp tác, giao tiếp, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm. Từ những kiến thức cơ bản ban đầu ấy, GV tiếp tục dạy những kiến thức, kỹ năng cao hơn như yêu gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước, chăm học, chăm làm và tích cực tham gia các hoạt động xã hội”.
Ngoài ra, tùy theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng, HS được giáo dục về an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; ứng phó với thời tiết và bệnh tật theo mùa; ý nghĩa các ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt là những ngày mang ý nghĩa truyền thống lịch sử. Trong quá trình giảng dạy, GV cũng lồng ghép các bài học đạo đức, KNS liên quan nội dung bài học để giáo dục HS.
Học sinh được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong các tiết hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp
Cô Mến chia sẻ thêm: “Trường còn phối hợp phụ huynh trong giáo dục đạo đức, KNS cho HS. Đối với HS chưa ngoan, trường trao đổi với phụ huynh phối hợp để giáo dục các em tốt hơn. Tuy có nhiều nỗ lực nhưng công tác giáo dục đạo đức, KNS cho HS còn hạn chế. Năm học mới, trường nỗ lực hơn nữa và quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong giáo dục đạo đức, KNS cho HS”.
Giáo dục thông qua câu lạc bộ, mô hình
Bên cạnh những việc làm trên, giáo dục đạo đức, KNS cho HS còn thông qua các câu lạc bộ học tập, vui chơi và mô hình hay. Qua đó, các em bị cuốn hút bởi những hoạt động ý nghĩa và tự rút ra bài học đạo đức, KNS cho mình.
Một trong những trường thực hiện tốt công tác này là Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa). Trường có 4 câu lạc bộ: Nghiên cứu khoa học, Đàm thoại tiếng Anh, Thể thao, Thanh niên và 1 đội Thanh niên tình nguyện cho học sinh lựa chọn tham gia. Trường quy định, mỗi HS phải là thành viên của ít nhất 1 câu lạc bộ hoặc đội. Tham gia câu lạc bộ, Đội, HS được phát huy năng khiếu và vui chơi, học hỏi, bổ sung nhiều kiến thức mới, bổ ích, giúp tự tin, năng động hơn trong cuộc sống.
Mô hình “Hành lang xanh” giúp học sinh có không gian tự học mát mẻ và gần gũi với thiên nhiên
Trần Ngọc Tuyền - HS lớp 12TN1, Trường THPT Đức Hòa, chia sẻ: “Tham gia Đội Thanh niên tình nguyện, em được đi nhiều nơi, làm nhiều việc có ích và học nhiều điều hay. Em cùng các bạn vệ sinh các tuyến đường, trồng cây, đắp đường, phát cơm từ thiện,... ở nhiều nơi trên địa bàn huyện. Từ đó, em có cách nhìn tích cực về cuộc sống, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, ý thức được trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng quê hương giàu đẹp và biết ơn, trân trọng những người đã ngã xuống vì hòa bình, dân tộc. Đặc biệt, em học được cách làm việc nhóm và sức mạnh của đoàn kết. Tham gia Đội Thanh niên tình nguyện, em mạnh dạn, tự tin hơn và có thêm nhiều bạn mới”.
Lê Thanh Phước - HS lớp 12TN3, thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học, Trường THPT Đức Hòa, vui vẻ nói: “Tham gia câu lạc bộ, em có sân chơi bổ ích và hình thành lối suy nghĩ, tư duy tích cực hơn. Em sẽ ứng dụng những kiến thức được học vào thực tế để giúp đỡ mọi người, điều này cũng thôi thúc em không ngừng nỗ lực trong nghiên cứu, sáng tạo. Từ đó, dự án Dây thoát hiểm cho các tòa nhà cao tầng của em ra đời, đoạt giải ba cấp tỉnh cuộc thi khoa học - kỹ thuật”.
Song song đó, trường còn thực hiện giáo dục đạo đức, KNS cho HS thông qua các mô hình: Hành lang xanh, Hành lang danh nhân, Hành lang danh ngôn. Trong đó, thực hiện mô hình Hành lang danh nhân, trường trưng bày dọc hành lang lớp học những khung ảnh kèm sơ lược tiểu sử các danh nhân nổi tiếng của thế giới và Việt Nam nhằm cung cấp kiến thức cần thiết, tạo tấm gương tốt để HS nỗ lực noi theo. Hành lang danh ngôn với những câu danh ngôn nổi tiếng, mang ý nghĩa giáo dục được treo khắp các hành lang lớp học như những lời nhắc nhở thường xuyên để các em hình thành nhân cách tốt.
Những câu danh ngôn hay, nổi tiếng góp phần giáo dục nhân cách học sinh
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hòa - Nguyễn Ngọc Anh Hiếu cho biết: “Nhờ cách giáo dục đạo đức, KNS trên, HS không chỉ có sân chơi lành mạnh, tránh xa những tệ nạn xã hội mà còn được rèn luyện bản thân. Qua 3 năm học, đạo đức, KNS của HS có chuyển biến tích cực. Các em ngoan, mạnh dạn, tự tin bước ra xã hội sau khi tốt nghiệp THPT. Đó cũng là niềm vui và tự hào của trường. Năm học mới, trường tiếp tục chú trọng và nỗ lực hơn nữa, góp phần đào tạo cho xã hội những HS phát triển toàn diện về kiến thức và đạo đức, KNS”.
Giáo dục đạo đức, KNS cho HS là việc làm quan trọng, giúp hình thành nhân cách tốt, suy nghĩ và hành động tích cực của các em ở hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, kết quả trong công tác này vẫn chưa như mong muốn. Năm học mới, các trường quyết tâm và nỗ lực hơn nữa nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức, KNS cho HS theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020./.
Theo Ngọc Thạch/Báo Long An Online