Nỗi lo lớn về bộ SGK mới
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không thể biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới theo như Nghị quyết của Quốc hội đã làm dấy lên không ít lo ngại.
Theo như giải thích của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, có nhiều lý do dẫn tới sự phá sản phương án viết bộ SGK phổ thông mới của bộ. Trong đó, nguyên nhân chính yếu do một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt về nhân sự vì không tìm đủ tác giả viết bộ SGK mới.
Dù với lý do gì thì việc cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực giáo dục không thể đứng ra biên soạn được bộ SGK mới là điều gây hụt hẫng. Bộ GD-ĐT đã được Quốc hội "chọn mặt gửi vàng", giao biên soạn bộ SGK phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 khá sớm. Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã được ban hành từ tháng 11-2014, tức đến nay đã gần 5 năm. Việc biên soạn và thẩm định bộ SGK phổ thông mới cũng có nguồn kinh phí khá dồi dào, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ khoảng 16 triệu USD.
Thế mạnh của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực giáo dục là quy tụ đội ngũ nguồn lực chất lượng cho việc biên soạn bộ SGK mới, có nguồn lực để thu hút những nhân lực chất lượng nhất… Vậy mà cuối cùng đổ bể phương án, Bộ GD-ĐT không thể chủ công biên soạn bộ SGK phổ thông mới, làm "mẫu" cho các nhà xuất bản, đơn vị khác sau này theo chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ SGK".
Nay liệu việc "đấu thầu" để lựa chọn ra một bộ SGK phổ thông mới có đạt chất lượng tốt nhất như mong muốn? Cho dù có thể thành lập một Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK để thẩm định, đánh giá chất lượng bộ SGK phổ thông mới, song dường như nỗi lo vẫn còn đó. Trước hết là chất lượng của chính hội đồng thẩm định này bởi chất lượng của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định đến việc lựa chọn được những bộ SGK chất lượng tốt nhất.
Việc cạnh tranh trong biên soạn bộ SGK phổ thông mới cũng gây không ít lo lắng, thậm chí lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh. Cứ nhìn ngay việc Bộ GD-ĐT không thể huy động đủ đội ngũ nhân lực viết bộ SGK mới cũng đã thấy khá rõ vấn đề này. Việc các nhà xuất bản, đơn vị cạnh tranh nhau thu hút các tác giả viết SGK có dẫn tới sự phân tán chất lượng hay không đủ nguồn nhân lực để biên soạn được bộ SGK có chất lượng tốt nhất. Trong khi đó, thời gian để phải đưa bộ SGK phổ thông mới vào giảng dạy không còn nhiều. Liệu thời hạn chót năm học 2020-2021 đến mà vẫn chưa có bộ SGK mới thật sự chất lượng thì sẽ ra sao?
Bộ SGK phổ thông mới có vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục, đào tạo ra nguồn nhân lực cho tương lai. Chất lượng nguồn nhân lực ấy quyết định tới sự phát triển của đất nước. Bởi thế, không thể không lo lắng khi thấy ngành giáo dục hiện vẫn loay hoay với bộ SGK phổ thông mới dù nghị quyết của Quốc hội đã ban hành được gần 5 năm.
Theo PHAN ĐĂNG/Báo Người Lao Động