Kiểm tra các "điểm nóng" thi THPT quốc gia
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi quốc gia vừa kiểm tra công tác thi THPT quốc gia 2019 tại Sơn La, Hòa Bình cùng nhiều địa phương, sẵn sàng cho kỳ thi lớn
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi quốc gia kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại hai địa bàn được xem là "điểm nóng" là Sơn La và Hòa Bình trong 2 ngày 12 và 13-6.
Bổ sung lực lượng bảo vệ bài thi
Năm nay, tỉnh Sơn La có 10.608 thí sinh đăng ký dự thi tại 33 điểm thi. Trong khi đó, Hòa Bình có 8.993 thí sinh đăng ký dự thi ở 37 điểm thi. Tỉnh đã huy động 447 cán bộ coi thi, 69 cán bộ giám sát.
Trong khi đó, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho hay dù chuẩn bị chu đáo tới đâu, trong thực tế vẫn có thể phát sinh các tình huống ngoài dự đoán nên địa phương không thể chủ quan bất kỳ khâu nào. Thứ trưởng An đề nghị tỉnh Cao Bằng bổ sung lực lượng bảo vệ cho những trường nằm sát khu vực nhà dân, bổ sung khu vực cách ly đối với phòng bảo quản đề, bài thi và bố trí đủ phòng chờ để thí sinh tự do đợi khi tới môn thi.
Thứ trưởng Lê Hải An kiểm tra công tác phòng bảo quản đề thi tại Cao Bằng Ảnh: NGUYỆT HÀ
Ban Chỉ đạo thi tỉnh Điện Biên cho biết đã hoàn thành tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thi, nghiệp vụ tổ chức thi cho tất cả các đối tượng tham gia tổ chức kỳ thi; hoàn thành việc lắp đặt camera an ninh, giám sát tại phòng bảo quản đề thi, bài thi của 17 điểm thi trong toàn tỉnh.
Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho biết tỉnh có trên 7.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó hơn 6.700 em là học sinh lớp 12, còn lại là thí sinh tự do. Yên Bái đã bố trí 25 điểm với 305 phòng thi, khoảng 1.000 cán bộ coi thi. Tất cả công tác chuẩn bị cho kỳ thi như nhân sự, lắp đặt camera an ninh cơ bản hoàn tất.
UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại TP Hà Nội năm 2019, trong đó yêu cầu kỳ thi phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng. Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, Hà Nội có hơn 74.000 thí sinh đăng ký dự thi, đây là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất cả nước.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tới, tất cả điểm thi đều lắp đặt camera giám sát khu vực bảo quản đề thi, bài thi. Ngoài ra, mỗi điểm thi sẽ có thêm 1 cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ bảo đảm cho hệ thống camera hoạt động liên tục 24/24 giờ, không được kết nối với internet.
Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đã thành lập và công khai đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi từ nay đến hết ngày 4-8.
"Chặn" thông tin cá nhân và bài thi
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho hay để kết quả chấm trắc nghiệm là khách quan, chính xác, phòng chống gian lận trong chấm thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được nâng cấp hoàn thiện. Theo đó, các dữ liệu ở tất cả các khâu từ trung gian đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa với thuật toán tiên tiến có độ tin cậy cao. Các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đều đươc "đánh phách điện tử" để bảo đảm cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với nội dung bài làm. Cũng theo ông Trinh, tất cả các thao tác trên phần mềm đều được lưu vết và chỉ có người có trách nhiệm mới có quyền mở để xem (không sửa được) trong trường hợp cần thiết. Việc quản lý người dùng thông qua quản lý tài khoản sử dụng được mã hóa và quản lý chặt chẽ.
Toàn bộ khu vực chấm thi trắc nghiệm đều có camera an ninh giám sát ghi hình 24/24, tổ giám sát chấm thi trắc nghiệm có trách nhiệm giám sát toàn bộ các khâu trong quy trình chấm thi trắc nghiệm, bên cạnh đó công tác thanh tra tiếp tục được tăng cường.
Năm nay, khâu coi thi tiếp tục có những điều chỉnh, trong đó quy định rõ trách nhiệm cũng như quy trình kỹ thuật trong các khâu từ bốc thăm phân công cán bộ coi thi, bốc thăm chọn phương án phát đề thi trắc nghiệm, sử dụng túi phụ để đựng bài làm đối với thí sinh không thi đầy đủ các môn trong bài thi tổ hợp, cách thức niêm phong túi đựng bài thi... "Mỗi phòng thi với 24 thí sinh có 2 cán bộ coi thi nếu các cán bộ coi thi này làm hết trách nhiệm, trung thực thì rất khó để xảy ra gian lận" - ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Phòng ngừa gian lận Ông Mai Văn Trinh nói thêm, ngoài phòng ngừa các gian lận thi cử bằng công nghệ cao thì việc phát hiện và phòng ngừa các gian lận thi cử theo các phương thức khác cũng rất được coi trọng. "Dù công nghệ cao hay thấp thì trách nhiệm của cán bộ coi thi tại phòng thi cũng như trách nhiệm của những người tham gia tổ chức thi có tính chất quyết định đến sự nghiêm túc của kỳ thi" - ông Trinh nói. |
Theo Yến Anh/nld.com