Đổi mới thi cử: Tích cực nhưng vẫn còn ‘sạn’
(Chinhphu.vn) - Tuy còn những bất cập của kỳ thi năm 2018 nhưng có thể khẳng định thành công của đổi mới thi là tìm ra phương án thi THPT Quốc gia hiện nay phù hợp, giảm áp lực xã hội nhưng vẫn có độ tin cậy nhất định để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân
Đây là vấn đề trọng tâm được các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ tại buổi Tọa đàm với chủ đề: "Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra" do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 13/9.
Đổi mới tích cực…
Theo TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ đã chọn công tác thi, kiểm tra đánh giá là khâu đột phá trong hoạt động đổi mới và phát triển giáo dục.
Bộ đã tích cực đổi mới phương thức, cách thức tổ chức thi, với sự điều chỉnh hợp lý trong quá trình triển khai. Đặc biệt, năm 2015, Bộ đã chính thức tiến hành kỳ thi chung mang tên kỳ thi THPT Quốc gia, không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, với mục đích lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở căn cứ điều chỉnh công tác dạy và học cho phù hợp với yêu cầu đổi mới, làm cơ sở cho các trường ĐH, trường chuyên nghiệp, nếu tin cậy, thì có thể tuyển sinh của mình.
Năm 2016-2017, việc đổi mới dần theo hướng chỉ còn một cụm thi tại một tỉnh. Năm học 2017-2018, tổ chức cụm thi duy nhất do sở GD&ĐT và các trường ĐH tham gia, với phương thức và sự phối hợp chặt chẽ sâu 50-50; trong đó, 50% giáo viên các trường ĐH và 50% giáo viên trường phổ thông.
Kỳ thi đã được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm tốn kém cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khi bố mẹ và học sinh đi thi, giảm dạy thêm học thêm.
Tuy còn những bất cập của kỳ thi năm 2018, nhưng có thể khẳng định của thành công đổi mới thi là tìm ra phương án thi THPT quốc gia hiện nay phù hợp, giảm áp lực xã hội nhưng vẫn có độ tin cậy nhất định để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Đó cũng là điểm thành công trong quá trình đổi mới thi.
TS. Phạm Tất Thắng - ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng -
Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân
TS. Phạm Tất Thắng - ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, có thể nói, hiện nay giáo dục đang được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục, trong đó xác định rõ học sinh đã học xong chương trình THPT sẽ bước vào kỳ thi, tuy nhiên, không quy định kỳ thi tổ chức như thế nào mà đó là thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ GD&ĐT.
Việc đổi mới thi tốt nghiệp và kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy và học phổ thông là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc phải làm. Trong những năm vừa qua, Bộ đã có nhiều cố gắng đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt 2 năm vừa rồi đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận việc sửa đổi Luật Giáo dục tại Kỳ họp thứ sáu, dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XIV nhưng luật sẽ không quy định cụ thể mà đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là việc làm cần thiết.
Ông Phạm Tất Thắng cho biết hoàn toàn ủng hộ đổi mới phương thức tổ chức thi như hiện nay, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có nhiều điểm cần lưu ý. Cụ thể, kỳ thi 2017 có nhiều điểm ghi nhận nhưng cũng bộc lộ hạn chế bất cập, lỗ hổng trong tổ chức, quản lý kỳ thi này. Quan điểm là điều gì xác định về phương thức tổ chức cơ bản phù hợp, đáp ứng thì đổi mới. Những gì tồn tại bất cập, lỗ hổng thì khắc phục theo hướng làm cho kỳ thi tốt lên.
…nhưng vẫn còn vấn đề
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, về kỳ thi với những hạn chế đã xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, với quy chế như hiện nay, nếu mỗi cá nhân thành viên tham gia chính thức của cụm thi, điểm thi và Hội đồng thi làm hết trách nhiệm thì chắc không có chuyện gì xảy ra.
Trách nhiệm đầu tiên là những cá nhân trực tiếp tham gia các điểm thi xảy ra sai phạm. Kỳ thi THPT đã giao cho sở GD&ĐT chủ trì, UBND, ủy ban chỉ đạo các cấp của tỉnh trực tiếp tham gia, nên ban chỉ đạo của địa phương, hội đồng thi địa phương phải có trách nhiệm.
Về phía cơ quan chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, theo ông Độ, đề thi ra có sự phân hóa mạnh, một số bài quá khó. Và để giải quyết điều đó, Bộ phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi bảo đảm phong phú, chất lượng, chuẩn hóa để đạt được mục đích của kỳ thi.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực và hiểu biết sâu rộng về phương pháp khảo thí, từ đó có đề xuất các phương thức tiệm cận quốc tế trong quá trình thi, kiểm tra đánh giá và đổi mới giáo dục. Trong thời gian tới, Bộ cũng cần có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật nhằm phát hiện sai phạm, tiêu cực. Như trong kỳ thi vừa qua, phát hiện tiêu cực là do có sự điều chỉnh giấy niêm phong túi đựng bài thi.
PGS.TS Mai Văn Trinh. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân
Còn theo PGS.TS Mai Văn Trinh. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, có thể nói, các quy chế, quy trình thi được thực hiện chặt chẽ theo hướng năm sau cụ thể, chi tiết hơn năm trước. Năm 2018, Bộ đã có những giải pháp kỹ thuật. Một là, bảo quản bài thi, niêm phong túi đựng bài thi ở các điểm thi là sử dụng đồng loạt loại tem chuyên dụng, mỏng, dùng một lần. Trên đó, ngoài 2 chữ ký của 2 cán bộ coi thi thì phải có chữ ký của Phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH, CĐ. Đây là giải pháp kỹ thuật dù nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn trong việc phòng ngừa. Cũng từ giải pháp này, Bộ cùng cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm như Sơn La, Hòa Bình.
Bộ đã tăng cường lực lượng thanh tra, chú trọng công tác tập huấn kỹ năng phòng ngừa công nghệ cao, văn bản hưởng dẫn quy cách niêm phong, bảo quản bài thi tại các điểm thi…
Ngay cả phần mềm chấm thi trên cơ sở thực hiện năm 2017 cũng được tiếp tục hoàn thiện và đưa cho các hội đồng thi của các sở thực hiện trước đó vài tháng dùng thử rồi tiếp tục hoàn thiện tiếp. Mặc dù chuẩn bị kỹ như vậy nhưng vẫn có tiêu cực xảy ra. Bộ có trách nhiệm trong hiệu quả thanh tra giám sát tại địa phương nhưng thực sự mà nói, vi phạm này có sự tính toán từ trước, có sự tổ chức của một nhóm người. Công nghệ dù có hoàn chỉnh đến đâu thì cũng là sản phẩm cho con người làm ra nên con người quyết định sự thành bại mặc dù công nghệ có hoàn hảo đến mấy. Ngay cả những nước phát triển, trình độ công nghệ phát triển cao thì vai trò của con người càng được đề cao khi công nghệ phát triển.
Theo Vũ Phong