Điểm chuẩn thấp, trường tốp dưới chật vật
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường được phép tuyển vượt tối đa 105% chỉ tiêu nhưng nhiều trường ĐH đã phải gọi tới 120% - 140%, điều này khiến trường tốp dưới rất chật vật vì thiếu nguồn
Trong vài ngày qua, các trường ĐH đồng loạt công bố điểm chuẩn với mức điểm thấp hơn nhiều so với dự kiến. Ở nhiều trường, nhiều ngành có mức điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) không nhiều. Các trường hạ điểm chuẩn, đặc biệt là trường tốp trên, đang khiến nguồn tuyển cho các trường tốp dưới vơi đi nhiều.
Hạ chuẩn để tăng nguồn tuyển
Theo thông tin từ một số thành viên của nhóm lọc ảo phía Nam, một số trường ĐH đã gọi thí sinh trúng tuyển vượt cao so với chỉ tiêu để "chắc ăn", thậm chí có trường gọi vượt 120% - 140%.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết ở trường có một số ngành khó tuyển sinh lấy mức điểm chuẩn chỉ trên 16 đến dưới 17 ngay cả khi gọi nhiều thí sinh cũng không đến học. Tỉ lệ gọi của trường 109% là để phòng hờ có nhiều thí sinh không đến nhập học ở vài ngành khó tuyển cùng với sự rơi rụng sau khi sinh viên vào học. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy khi gọi 109% thì tỉ lệ nhập học đạt khoảng 105% - 106%.
Thí sinh nhận giấy báo nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM ngày 7-8 Ảnh: Tấn Thạnh
TS Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết có những ngành trường gọi đến 115% nhưng tỉ lệ chung trường gọi 109%. Những năm qua, năm nào trường cũng gọi 109% - 110% nhưng kết quả tuyển sinh cũng chỉ vừa đủ hoặc dôi dư không đáng kể.
Còn Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM gọi tới 120% chỉ tiêu. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của trường, cho biết có ngành trường gọi đủ 100% chỉ tiêu nhưng có ngành phải gọi lố khá nhiều do ngành khó tuyển sinh và lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ở nguyện vọng 3, 4, 5 nhiều. Tuy tỉ lệ gọi lên đến 120% nhưng hằng năm tỉ lệ nhập học cũng chỉ đạt khoảng trên 80% so với chỉ tiêu.
Nhiều trường hạ điểm để gọi được lượng lớn thí sinh khiến cho nguồn tuyển của các trường tốp sau bị thu hẹp. Một chuyên gia tuyển sinh phân tích khi trường tốp trên hạ điểm thì những thí sinh đáng ra trúng tuyển trường tốp dưới đã được "vớt" lên. Nhiều trường ĐH tốp trên cùng hạ điểm thì chắc chắn năm nay không ít trường tốp dưới phải tính toán gọi vượt 200% may ra mới tuyển đủ chỉ tiêu. "Chỉ cần trường tốp trên tăng chỉ tiêu một chút là trường tốp dưới sẽ bị hụt. Do đó, phải có người kinh nghiệm hiểu được lịch sử tuyển sinh của các ngành trong trường mình, mới đưa ra tỉ lệ gọi thích hợp" - ông nói.
Khó lường thí sinh ảo
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết thông thường, lượng thí sinh ảo được tạo ra từ một số lượng học sinh đã xác nhận nhập học với hình thức xét tuyển ĐH bằng học bạ nhưng chưa được cập nhật trong dữ liệu của Bộ giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, ảo cũng bắt nguồn từ lượng thí sinh đi du học ở nước ta ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh đậu ĐH nhưng bằng nguyện vọng dự phòng chứ không phải sở thích. Những em này nhiều khả năng bỏ ĐH để thi lại năm sau hoặc chuyển sang học nghề.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, năm nay một số trường lớn thêm phương thức xét học bạ vào tuyển sinh, dữ liệu một lượng thí sinh chưa được đưa lên cổng thông tin điện tử của bộ nên có khả năng tỉ lệ ảo không ít. "Năm ngoái, ít trường xét học bạ hơn tỉ lệ ảo đã là 100.000 thí sinh không nhập học. Năm nay có thể con số thí sinh ảo đó vẫn không giảm, có thể đến vài chục phần trăm" - ông Nhân nhận định.
Các chuyên gia cũng nói rằng năm nay các trường thận trọng hơn trong việc tính toán tỉ lệ thí sinh được gọi do năm ngoái tỉ lệ ảo quá nhiều. Một số trường tốp trên như Trường ĐH Y Dược TP HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch… số lượng thí sinh đậu nhưng đi du học quá nhiều khiến các trường thiếu chỉ tiêu, phải tuyển bổ sung nhưng lúc đó đã không còn nguồn đủ điều kiện.
Quy định đã lỗi thời Đại diện một trường ĐH cho biết nhiều ngành chỉ cần gọi bao nhiêu thí sinh nhập học bấy nhiêu nhưng nhiều ngành nếu chỉ gọi 105% như quy định thì số thí sinh nhập học chỉ 50% chỉ tiêu. Theo đó, số lượng gọi hoàn toàn khác với số lượng đầu ra của từng ngành vì tỉ lệ sinh viên "rơi rụng" khi nhập học, qua từng năm học… Do đó, trong thời buổi các trường tự chủ, quy định này trở nên lỗi thời. |
Theo HUY LÂN - LÊ THOA