Tự chủ đại học khơi dậy những sáng tạo, đổi mới nhất
(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này khi trò chuyện, làm việc với cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Thương mại, sáng 30/1.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi,
ủng hộ những cách làm sáng tạo trong tự chủ đại học. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trường Đại học Thương mại có quy mô đào tạo trung bình trên 20.000 sinh viên, học viên theo các hình thức chính quy, cao học, nghiên cứu sinh, liên thông các trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học, liên kết với trường đại học nước ngoài. Trường có chương trình đào tạo dành cho 14 ngành và 14 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Đội ngũ cán bộ, giảng viên gồm 436 giảng viên, 230 cán bộ quản lý, nhân viên, ngoài ra nhà trường còn ký hợp đồng giảng dạy với trên 100 nhà khoa học trong và ngoài nước.
Sau khi được thực hiện thí điểm tự chủ, nhà trường đã thành lập ngay hội đồng trường để ban hành các văn bản về cơ cấu bộ máy, tổ chức, giới thiệu nhân sự Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, xây dựng đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động…
Nhà trường đã vận dụng quyền tự chủ trong sử dụng, bổ nhiệm nguồn nhân lực trình độ cao, tiếp tục bổ nhiệm một số cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu được kéo dài thời gian công tác, quản lý.
Trong lĩnh vực chuyên môn, Đại học Thương mại đã chủ động trong mở ngành, liên kết đào tạo, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành theo nhu cầu xã hội, chuẩn hoá, toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo…
Sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau tốt nghiệp đạt khoảng 90%, nhiều ngành có tỷ lệ cao như như Quản trị doanh nghiệp khách sạn du lịch, Marketing thương mại, Quản trị thương mại điện tử, Quản trị thương hiệu, Tiếng Anh thương mại…
Hiện tổng nguồn thu của trường đạt khoảng 230 tỷ đồng/năm từ học phí, ngân sách, thu dịch vụ khác, chuyển giao khoa học công nghệ…
Nguồn thu tăng cho phép nhà trường bù đắp được phần ngân sách nhà nước không cấp chi thường xuyên 20 tỷ đồng trong năm 2017. Trong đó, tổng chi sự nghiệp năm 2017 tăng 55% so với năm 2015 đối với tiền lương, thu nhập tăng thêm, nghiệp vụ chuyên môn, học bổng và chính sách hỗ trợ cho sinh viên, trích lập các quỹ, đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo…
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Đại học Thương mại kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong sử dụng nguồn học phí để đầu tư cơ sở vật chất, hiện phải được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính theo Luật Đầu tư công.
Trả lời theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết khi Bộ GD&ĐT đồng ý chủ trương đầu tư của các trường ĐH thì cơ quan này sẽ tiến hành ngay các thủ tục thẩm định về nguồn thu, năng lực đầu tư dự án của nhà trường.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cam kết theo tinh thần tự chủ thì Bộ GD&ĐT đồng ý với chủ trương đầu tư dự án mà hội đồng trường của các trường đại học tự chủ đã quyết định. “Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Trong dự thảo Luật Giáo dục, Giáo dục Đại học, dự kiến đưa vào nội dung đầu tư các dự án từ nguồn học phí không được coi là ngân sách, không phải theo quy định luật đầu tư công”, Thứ trưởng Phúc cho biết thêm.
“Các Bộ GD&ĐT, KH&ĐT, Tài chính cần tạo thuận lợi tối đa về thủ tục đầu tư dự án, quy trình thẩm định, ra văn bản đồng ý chủ trương… khi các trường đại học đã tự chủ được nguồn vốn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Hiệu trưởng Đại học Thương mại cũng mong muốn được hỗ trợ về phần thuế thu nhập 5% nộp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên tại Trung tâm Thông tin thư viện Đại học Thương mại.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Về vấn đề nhân sự của Hội đồng trường cũng như việc kéo dài thời gian công tác, quản lý đối với những cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp cụ thể. Theo đó, khi nhà trường đã tự chủ được về quỹ lương thì hoàn toàn có thể tự ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc đối với những cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu. Đối với những trường hợp bổ nhiệm chức vụ, chức danh quản lý cần xem theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo những trường hợp vướng, đề nghị đặc cách.
Trong mối quan hệ giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường với Hiệu trưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải giao thực quyền cho Hội đồng trường, trước hết là quyền quyết định tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Hiệu trưởng là người thực thi các nghị quyết của Hội đồng trường chứ không phải là mối quan hệ ngang cấp. Khi Hội đồng trường thực hiện công tác nhân sự, bầu Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, luôn có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy.
“Hội đồng trường phải bảo đảm quyền đại diện của tập thể, sâu hơn nữa là mở rộng quyền làm chủ thực sự đến từng giáo viên, bộ môn. Bộ máy hành chính của nhà trường, các phòng, khoa phải phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu theo tinh thần ngày càng nâng cao vai trò của giảng viên, giáo viên, giáo sư, bộ môn, rồi đến các khoa, các phòng, ban khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Điểm quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập đến là Đại học Thương mại phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử giống như “bộ luật” của trường, cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt như quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng… “Bộ quy tắc được xây dựng, thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, Hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội”.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý trong điều kiện mới bên cạnh những thế mạnh vốn có, Đại học Thương mại có thể xem xét mở ra những chuyên ngành đào tạo mới mà nền kinh tế, xã hội đang có nhu cầu như du lịch, công nghệ thông tin…; mở phân hiệu, cơ sở đào tạo trực thuộc từ những trường đại học, cao đẳng địa phương đang rất khó khăn, không tuyển được sinh viên.
“Cả nước nói về cơ hội tương lai của đất nước và đào tạo phải đi trước, mở ra những chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu mới. Đây là cơ hội để Đại học Thương mại vươn lên cả về chuyên môn, cơ sở vật chất lẫn không gian phát triển, trở thành một phần của mạng lưới các trường đại học của thế giới”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định “qua hơn 1 năm làm thí điểm tự chủ Đại học Thương mại đã giải quyết được vấn đề học phí tăng, bảo đảm cơ hội học tập cho những đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, chất lượng giảng dạy được nâng lên, nội bộ đoàn kết, dân chủ hơn. Nhà trường cần tiếp tục thực hiện tự chủ trên tinh thần vướng đâu gỡ đấy”.
* Trước đó, trò chuyện với sinh viên Đại học Thương mại, trong lễ trao học bổng sinh viên nghèo vượt khó, Phó Thủ tướng mong muốn các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhìn nhận cả cơ hội lẫn thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bắt đầu hành động từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt, học tập, nghiên cứu hàng ngày.
“Ai là người đi trước thì thách thức sẽ thành cơ hội và ai đi sau sẽ bị bỏ lại rất nhanh. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, đặc biệt là những bạn trẻ. Cần phải khơi dậy sáng tạo của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên bởi nếu chỉ học theo cách cũ, làm theo cách cũ của thế giới chúng ta sẽ mãi đi sau.
Mỗi người phải dám mơ ước và thực hiện được mơ ước đó với những cách làm mới. Mọi ý tưởng mới mẻ phải được khuyến khích, được khơi dậy, tôn vinh từ trong trường đại học. Và các bộ ngành cũng cần tạo điều kiện, ủng hộ những ý tưởng mới của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học, nâng cao chất lượng, thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Theo Đình Nam