Giáo dục để tiếp biến văn hóa, giữ gìn bản sắc
(Chinhphu.vn) - Sáng 16/9, hội nghị Hội đồng Giáo giới các nước ASEAN và Hàn Quốc (ACT+1) lần thứ 33 với chủ đề “Vai trò của giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” đã được tổ chức ở Đà Nẵng.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Thế Phong
Hội nghị do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức với sự tham dự của hơn 400 đại biểu là cán bộ, nhà giáo của các tổ chức Công đoàn Giáo dục, Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN và Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đây là một sự kiện quan trọng trong chương trình hợp tác giữa Hiệp hội Giáo giới các nước ASEAN và Hàn Quốc.
Những năm qua, Hiệp hội đã góp phần quan trọng trong việc nhận diện thực trạng giáo dục trong khu vực, những thách thức mà giáo dục cần phải vượt qua, từ đó đề xuất cho Chính phủ, Bộ Giáo dục của các nước biện pháp giải quyết, xây dựng các chiến lược, chương trình hành động vì một nền giáo dục phát triển và bền vững trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.
Thông qua tiếng nói của các thành viên của Hiệp hội, các chính sách, sự quan tâm đối với nhà giáo được cải thiện; các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp đối với nhà giáo được chuẩn hóa; các mục tiêu, chương trình giáo dục được bổ sung theo hướng tiếp cận năng lực của người học. Đặc biệt, các khuyến nghị, đề xuất về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, về giáo dục tính cách và giáo dục công dân toàn cầu, vì sự phát triển bền vững… đã được tiếp cận và dần chuyển hóa trong chiến lược giáo dục đào tạo ở mỗi quốc gia.
Với chủ đề “Vai trò của giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và gìn giữ bản sắc dân tộc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng các nước thành viên đang thống nhất và có tiếng nói chung trong nhận diện một vấn đề có tính thời sự liên quan tới sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, các nước đều đặt mục tiêu kiến tạo kinh tế phải tiến hành song song với kiến tạo về văn hóa.
“Chúng ta cùng thống nhất nhận thức rằng một nền văn minh với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ rất cần có yếu tố văn hóa đồng hành để tránh những tác động xấu có thể xảy ra. Chính vì thế, việc phát đi những tuyên ngôn về văn hóa, về tính nhân văn của cộng đồng là điều cấp thiết”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Đồng thời, Bộ trưởng cho biết hội nghị lần này có ý nghĩa thực sự khi cùng nhau thảo luận, bàn bạc và đưa ra giải pháp, đưa vào Nghị quyết các vấn đề mà giáo dục các nước cần quan tâm, giải quyết. Hội nghị còn có cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc của mỗi nước trong quá trình đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của một xã hội văn minh hiện đại.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chính phủ Việt Nam xác định văn hóa là nền tảng của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, tiến bộ trong văn hóa của dân tộc khác. Chính phủ Việt Nam cũng luôn quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện chủ trương đó, Bộ GD&ĐT đã và đang tiến hành những giải pháp đổi mới nhằm phát triển một nền giáo dục tiếp cận xu thế hiện đại và trân quý các giá trị truyền thống.
Hội nghị lần này ngoài phiên chính với phần báo cáo của các quốc gia còn có các phiên song song, tập trung thảo luận các vấn đề mà nhiều nước cùng quan tâm.
Theo Thế Phong