Người thầy ‘bất đắc dĩ’ và lớp học miễn phí
(Chinhphu.vn) - Suốt gần 10 năm hoạt động, lớp học đặc biệt không có tên gọi ấy chưa từng có giấy khen và cũng không ồn ào, náo nhiệt những tiếng trống khai giảng. Ở đó, ngày ngày, người ta chỉ thấy một ông giáo “bất đắc dĩ” cần mẫn, kiên trì uốn từng nét chữ, chỉ dạy từng phép tính cho những học trò đen nhẻm, gầy gò. Ông là Nguyễn Viết Học (sinh năm 1963), trú tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Đã gần chục năm qua, thầy giáo “bất đắc dĩ” Nguyễn Viết Học vẫn luôn dành trọn thời gian và tâm huyết cho lớp học của mình. Ảnh: VGP/Thuỷ Lợi
Vạn sự bởi duyên
Trời vừa nhá nhem tối, trong ngôi nhà cấp 4 ở xã Tân Long, huyện Tân Kỳ đã lanh lảnh tiếng giảng bài của “thầy giáo” Nguyễn Viết Học. Đã gần 10 năm nay, cứ tối đến là những học sinh trong xã lại vai mang cặp, tay ôm sách, kéo về lớp học miễn phí của thầy Học. Người lạ mới đến chắc chắn đều lầm tưởng đây là lớp học thêm ngoài giờ của một giáo viên nào đó. Nhưng người thầy đặc biệt này lại là cán bộ xã tranh thủ thời gian, mở lớp phụ đạo cho con em trong vùng.
Trong một không gian được tận dụng từ hai gian nhà cũ, thầy Học kê chừng chục bộ bàn ghế cùng chiếc bảng gắn trên tường để làm nơi giảng bài. Đôi bóng đèn ne-on bật sáng trưng rọi rõ từng nét phấn trên chiếc bảng cũ kỹ. Gần ba chục em chăm chú dõi theo những vạch phấn mà thầy giáo đang tỉ mẩn vạch trên bảng giải bộ đề Toán kỳ thi THCS vừa diễn ra.
Điều tạo nên ấn tượng đầu tiên khi đặt chân vào lớp chính là hình ảnh về thầy giáo với dáng người cao, tóc điểm bạc, trong bộ áo lính còn nguyên nếp gấp, nước da rám nắng và đôi mắt hiền lành sau cặp kính cũ. Chất giọng lính khoẻ khoắn, rõ từng tiếng một khiến bất cứ ai ngồi nghe cũng cảm thấy như được “nuốt” trọn từng con chữ.
Đến giờ nghỉ lao, thầy Học mới tranh thủ kể về mình. Thầy vốn quê ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị); năm lên ba tuổi thì chẳng may bố qua đời để lại gánh nặng chăm lo các con cho người mẹ nghèo. Năm 1969, mấy mẹ con sơ tán về huyện Tân Kỳ (Nghệ An) rồi định cư luôn ở đây. Sau 3 năm tham gia quân ngũ (từ 1981 đến 1984), thầy trở về tiếp tục theo đuổi nghiệp đèn sách. Nhưng gánh nặng cơm áo khiến việc học hành nhiều lần phải dang dở. Mãi sau này, thầy mới được vào Trường Trung cấp Thương mại rồi về làm cán bộ tài chính ở địa phương cho đến ngày nay.
Công việc sổ sách và những con số luôn bận rộn, nhưng qua nhiều lần trò chuyện với các em học sinh trong vùng, thầy nhận thấy kiến thức các em bị hổng quá nhiều cùng một tỉ lệ lớn học sinh thi trượt cấp 3. Bên cạnh đó, có những học sinh nghèo không có điều kiện theo học phải tha hương kiếm tiền rồi sa vào các tệ nạn xã hội. Những điều này khiến thầy trăn trở và suy nghĩ cần tạo ra một không gian vừa để học kiến thức, vừa để rèn đức cho các em.
Nghĩ là làm, đầu năm 2008, thầy tới từng gia đình có con em đang học cấp 2 trong làng để trình bày ý tưởng, rồi tới trường học đề xuất nguyện vọng với giáo viên của các em có lực học yếu. Ban đầu, nhiều phụ huynh bất ngờ, cho rằng ông nói đùa vì một người chưa từng đứng trên bục giảng, lại chẳng có chút kiến thức sư phạm thì làm sao có thể dạy học cho các cháu được. Nhưng sau nhiều lần giải thích và bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, lớp học vẫn được thầy mở ra với 6 em đang học lớp 9.
Từ đó, ban ngày, thầy đến trụ sở UBND xã làm việc, tối về nhà giúp các em ôn luyện. Ghi nhận thành công ban đầu của người thầy “bất đắc dĩ” là cả 6 em đều thi đỗ vào cấp 3. Kể từ đây, tiếng tăm của thầy Học bắt đầu lan ra. Bà con trong làng xã tìm đến gửi con học, số lượng tăng nhanh, từ chỉ nhận kèm các em lớp 9 ôn thi lên lớp 10, nay thầy mở thêm các lớp từ 6 đến 9 và phân lịch dạy cụ thể cho từng nhóm một. Mùa trước tiếp nối mùa sau, các thế hệ học sinh cứ dần tìm về thầy ngày một đông. Nhiều phụ huynh ở cách vài chục cây số cũng nghe mà tìm đến gửi gắm con cho thầy. Nhiều cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy cho ăn ở tại nhà mà không đỏi hỏi bất cứ một xu nào.
Chia sẻ về những ý tưởng ban đầu, thầy Học kể: "Ngày xưa tôi mơ ước trở thành thầy giáo dạy toán nên việc mở lớp này cũng là tâm nguyện lâu nay của bản thân tôi. Tuy không qua đào tạo chuyên môn như các thầy cô ở trường nhưng với kiến thức có sẵn từ thời đi học, và nghiên cứu sách giáo khoa, cập nhật trên mạng internet kiến thức các môn Văn, Toán, Lý, Hóa..., tôi cố gắng truyền đạt đơn giản nhưng vẫn bảo đảm kiến thức chuẩn. Nhiều lần gặp phải những kiến thức mới, ngoài hiểu biết của mình, tôi lại lên mạng tra cứu thêm hoặc gọi điện hỏi các thầy cô giáo ở các trường trong vùng...".
Sau gần 10 năm gắn bó với công việc dạy học, đến nay, đã có hàng nghìn lượt học sinh được thầy Học kèm cặp, phụ đạo kiến thức. Nhiều học sinh trong xã được thầy Học phụ đạo thi đỗ cấp 3 và có cả những em đỗ vào các trường chuyên. Nhiều học sinh lực học yếu đã vươn lên, cải thiện được thành tích học tập.
Thầy Nguyễn Viết Học và các học trò của mình. Ảnh: VGP/Thủy Lợi
“Làm người thì phải học cả tài và đức”
Đối với thầy Học, để có thể trở thành công dân có ích cho xã hội thì mỗi học sinh không chỉ cần tài năng, trí tuệ mà song song với đó còn là đạo đức, nhân cách. Vì vậy mà ở lớp học đặc biệt này, thầy Học không chỉ truyền dạy những kiến thức trong sách vở mà còn cố gắng rèn luyện đạo đức cho từng em học sinh. Đó không hẳn là những lễ nghi, phép tắc trong giao tiếp, ứng xử, thái độ đối với mọi người xung quanh mà còn là những hành động, việc làm hướng tới cộng đồng.
“Ở lớp học, ngoài việc dạy kiến thức sách vở, tôi luôn quan tâm đến nhân cách con người. Cũng bởi từng là lính nên tác phong, đạo đức của Bác Hồ luôn được tôi lấy làm gương cho mình. Đồng thời, với tinh thần cho đi sẽ nhận lại, tôi cùng các em lập quỹ từ thiện bằng việc đi nhặt ve chai, mót lạc, bớt một phần tiền ăn sáng... để mỗi tháng, cả lớp góp được một khoản tiền chia sẻ cùng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 3 năm phát động, đến nay, lớp học đã gom được số tiền 17 triệu đồng”, thầy Học chia sẻ.
Ngoài việc kêu gọi các em gây quỹ từ thiện, bản thân thầy cũng là một tấm gương về điều đó. Thầy không những không thu tiền học phí của các em đến học tại lớp, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn còn được thầy nuôi ăn ở trong nhà. Vừa qua, thầy còn nhận hỗ trợ học phí cho 3 em hiện đang theo học tại trường THPT Lê Lợi (huyện Tân Kỳ) với thời gian 3 năm.
Để động viên, khuyến khích tinh thần học tập của lớp, thầy Học còn trích tiền túi thưởng cho những em có lực học tốt, hay có hoàn cảnh khó khăn. Cảm phục trước việc làm của thầy, nhiều phụ huynh tỏ ý muốn sẻ chia gánh nặng nhưng thầy đều từ chối.
"Tôi chỉ có một trăn trở là lớp học ngày càng đông, mà cơ sở vật chất và phòng học quá chật, thời gian không đủ để phục vụ các cháu", thầy Học chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, việc thầy Nguyễn Viết Học mở lớp dạy miễn phí cho các cháu trong xã rất được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ. Mặc dù dành nhiều công sức cho việc dạy thêm, nhưng dù ở vị trí Hội trưởng Hội Khuyến học xã Tân Long hay là cán bộ tài chính của xã Nghĩa Thái, thầy Học vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
Theo Thuỷ Lợi