Tự chủ đại học phải đi kèm kiểm định chất lượng
(Chinhphu.vn) - Ý kiến từ các trường đại học cho rằng cần đưa nhà trường vào cơ chế thị trường theo 2 nguyên tắc: Tự chủ và kiểm định chất lượng.
Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học (ĐH) công lập là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường ĐH công lập đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu, tuy nhiên để phát huy cơ chế này cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Tự chủ của trường ĐH có thể khái quát là khả năng trường được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng về mục tiêu do trường đặt ra. Các thành tố trong tự chủ ĐH bao gồm: Tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân lực...
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện việc xây dựng nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH công lập đang bước vào giai đoạn cuối cùng, theo hướng ngay từ bây giờ và chậm nhất đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ đều hoạt động tự chủ.
Theo dự thảo nghị định mới, các trường ĐH, CĐ được tự chủ cả về chuyên môn và tổ chức.
Về tài chính, tự chủ không có nghĩa là ngân sách Nhà nước không còn mà thay đổi cách cấp ngân sách. Theo đó, Nhà nước sẽ không cấp phát bao bọc như trước mà theo cơ chế giao nhiệm vụ kèm kinh phí, đặt hàng. Việc hỗ trợ sinh viên, người học có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện thông qua các chương trình như hỗ trợ học phí hay cấp học bổng để bảo đảm các sinh viên này được theo học.
Chương trình ĐH phải gắn với thị trường
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng ĐH quốc tế Hồng Bàng nhấn mạnh muốn nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, phải nâng cao ngoại ngữ, tính học thuật và đầu tư cơ sở vật chất. Để hội nhập quốc tế tốt, sinh viên cần có ngoại ngữ tốt. Ngoại ngữ phải là mục tiêu quan trọng, được các trường thường xuyên nâng cao trong quá trình đào tạo cho sinh viên và trong chuẩn đầu ra.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên và giảng viên, việc đầu tư cơ sở vật chất, tạo niềm tin cho người học bằng một môi trường học thuật hiện đại là điều cần phải làm song song.
PGS.TS Thái Bá Cần cho rằng các trường cần tham gia vào việc đào tạo chất lượng cao. Đào tạo và kết nối với doanh nghiệp là vấn đề ĐH quốc tế Hồng Bàng đặc biệt quan tâm.
ĐH quốc tế Hồng Bàng đặt mục tiêu đào tạo đội ngũ sinh viên đáp ứng được yêu cầu hội nhập, đáp ứng thị trường lao động. Đào tạo nhân lực để thị trường lao động chấp nhận, chứ không phải đào tạo chỉ để sinh viên có bằng đại học khi ra trường.
Có cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Tất Thành đề cập đến sự cần thiết của mối liên hệ giữa 4 nhà bao gồm: Nhà trường, nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà quản lý.
Ông cho rằng đây là một “chuỗi liên kết” không thể tách rời, rất quan trọng cả với lao động và người sử dụng lao động. Vì thế chương trình đào tạo luôn hướng tới việc thiết lập và duy trì những mối quan hệ này. Nhà trường phải đào tạo được những sinh viên đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xa hơn nữa là của thế giới.
Kiểm định để nâng cao chất lượng
PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng muốn hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng thì cần đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng tại các trường. Và sau kiểm định chất lượng, các trường cần nghiêm túc bảo đảm chất lượng đã được kiểm định. Các trường cần phải xây dựng được văn hóa kiểm định chất lượng để bảo đảm sự khách quan. Văn hóa này không chỉ dành cho một vài trường mà phải là toàn hệ thống giáo dục ĐH.
PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt khẳng định việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ tại các trường ĐH, CĐ hướng đến hội nhập quốc tế là điều tất yếu. Tự chủ chính là “chìa khóa” để các trường thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, theo ông Hoà, tự chủ chỉ là một trong 4 thành tố quan trọng để quản trị ĐH, trong đó, thay đổi phương thức quản trị ĐH mới là nền tảng cốt lõi của sự đổi mới.
Theo TS Nguyễn Đức Hòa, đổi mới quản trị ĐH là việc đưa các trường ĐH vào cơ chế thị trường. Cần đưa nhà trường vào cơ chế thị trường theo 2 nguyên tắc: Tự chủ và kiểm định chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Đức Hòa cho rằng sự đổi mới quyết liệt trong công tác năm học vừa qua, cũng như nhiệm vụ chính của năm học tới của Bộ GD&ĐT là đúng đắn. Bộ kiểm định chất lượng mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra đã tiệm cận với chuẩn kiểm định của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) mà các trường đang hướng đến. Nếu giáo dục ĐH của ta tiệm cận và đạt chuẩn kiểm định chất lượng ấy thì sẽ vươn mình ra khỏi lãnh thổ, tiến đến hội nhập với thế giới.
Theo Phương Liên/Chinhphu.vn