Tự chủ đại học là để giải phóng nguồn lực, nâng cao chất lượng
(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 của các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Phương Liên
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả giáo dục đại học đã đạt được trong năm học 2016-2017. Bộ trưởng cho rằng, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn song các trường đã nỗ lực để có một năm học với nhiều chuyển biến tích cực, trong đó kết quả của kỳ thi “hai trong một”, kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng là điểm nhấn quan trọng của năm học.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những hạn chế của giáo dục đại học được nêu như công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… đều là những vấn đề có thật. Đó không phải là những hạn chế hiện giờ mới có mà đã có từ rất lâu nhưng chính sự minh bạch thông tin thời gian qua đã làm cho những hạn chế này trở nên rõ ràng hơn và trách nhiệm của chúng ta là phải nỗ lực để khắc phục những hạn chế này.
Bộ trưởng nhấn mạnh muốn cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải bắt đầu từ thể chế. Vì vậy, tới đây, trên cơ sở kề thừa những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung hai luật quan trọng là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm kiến tạo, hỗ trợ cho đổi mới giáo dục đại học.
Bộ trưởng đề nghị, tới đây cần quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm một cách căn cơ có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển đại học trên thế giới, tránh cứng nhắc và tùy tiện. Hiện nay đa phần các trường đào tạo đơn ngành, quy hoạch cần có tính định hướng để các trường liên kết với nhau trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, hướng tới việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời hình thành nên ngày càng nhiều trường chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Về tự chủ đại học, Bộ trưởng cho rằng các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính, thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.
Nhìn lại kỳ xét tuyển vừa qua, Bộ trưởng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thí sinh ảo là do thí sinh chưa đủ thông tin, vì vậy đã tới lúc phải thay đổi nhận thức khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh. Tới đây các trường sẽ tự chịu trách nhiệm về đầu vào. Vì thế, cần tính đến ngành gì thị trường cần, phân khúc nào thích hợp để tư vấn tuyển sinh. Trong đó dành nhiều thời gian tư vấn nghề nghiệp cho các em phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm.
Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương đã có rồi, đến năm 2020 tất cả các trường sẽ phải tự chủ. Từ nay đến đó, Bộ sẽ phối hợp để cùng triển khai, gỡ khó cho các trường. Trách nhiệm của các trường đại học là không ngồi chờ mà phải chủ động để có những bước đi tự chủ hợp lý và bền vững.
Nên nhìn nhận vấn đề toàn diện, thấu đáo
Tại Hội nghị, hàng loạt vấn đề mà báo chí và dư luận đề cập như “mưa điểm 10 kỳ thi THPT”, “30 điểm mà vẫn trượt”, vấn đề cộng điểm ưu tiên cho thí sinh, vấn đề “đầu vào ngành sư phạm thật đáng lo ngại” cũng được Bộ trưởng… phản biện lại.
Chẳng hạn, về hiện tượng gọi là “mưa điểm 10”, Bộ trưởng cho rằng phương thức thi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức trải rộng, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có cơ hội được điểm cao và theo số liệu thống kê, điểm 9-10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước.
“Nhưng cái được lớn nhất của chúng ta là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9-10 tuy có nhiều hơn nhưng trung vị vẫn là 4-6 điểm chứ không hẳn là “mưa điểm 10” như dư luận bình luận”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Xoay quanh vấn đề cộng điểm ưu tiên, Bộ trưởng khẳng định đó là chủ trương tốt và đầy tính nhân văn. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã thay đổi, khu vực 1-2-3 sự chênh lệch điều kiện đã khác trước đây thì sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.
Một vấn đề nóng khác được dư luận “mổ xẻ” những ngày qua là ngành sư phạm có điểm đầu vào ở mức thấp. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dư luận nên nhìn nhận toàn diện và thấu đáo. Bởi lẽ nếu phân tích kỹ thì không phải ngành sư phạm nào năm nay cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối nhưng cũng có phân ngành điểm thấp, nhất là ở các trường cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm. Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tế nhập học, đa số thí sinh nhập học có điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển mà trường công bố.
Theo Bộ trưởng, sắp tới Bộ GD&ĐT quyết tâm xây dựng chuẩn trường sư phạm. Tới đây sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra-đầu vào hợp lý với sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan.
“Khởi đầu cải cách, động vào cái gì cũng tạo nhiều nhận thức khác nhau. Chắc chắn ban đầu sẽ khó khăn một chút nhưng sau đó, mọi vấn đề sẽ đi vào ổn định với sự quyết tâm của toàn ngành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Theo Phương Liên/Chinhphu.vn