Những thông tin chính thức của Bộ Giáo dục khi kết thúc kỳ thi quốc gia 2017
(GDVN) - Theo số liệu thống kê khi kết thúc kỳ thi quốc gia, 72 thí sinh bị đình chỉ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận có sai sót, đính chính đề Vật lý.
Chiều 24/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo kết thúc kỳ thi quốc gia 2017.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi nhìn nhận, việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh/ thành phố do Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp là "một đổi mới căn bản về cách thức tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực trong bối cảnh xã hội chưa thật sự tin tưởng sự khách quan, công bằng của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức tại địa phương trước đây".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định với đề thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, thí sinh không thể quay cóp khi có 24 mã đề thi khác nhau.
Toàn cảnh cuộc họp báo của Bộ Giáo dục khi kết thúc kỳ thi quốc gia 2017 (Ảnh: Lê Văn)
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn đợt thi có 72 thí sinh bị đình chỉ thi. Con số này ở năm 2016 là 328 em. Năm nay, kỳ thi cũng chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở do vi phạm quy chế.
Đánh giá về con số này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng do hình thức thi được đổi mới.
Cụ thể, có 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài không kéo dài, mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề riêng nên việc gian lận giảm.
Bên cạnh đó, việc điều 50% số giám thị coi thi ở các trường đại học phối hợp địa phương nên tính khách quan cũng được đảm bảo.
Hơn nữa, theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc đổi mới kỳ thi với những giải pháp kỹ thuật đã giảm tiêu cực đáng kể cho tiêu cực, đảm bảo thông tin khách quan, tin cậy.
Liên quan kỷ luật phòng thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, mỗi phòng thi đều có sự tham gia của giáo viên phổ thông và giảng viên đại học.
Số thí sinh bị đình chỉ, vi phạm quy chế giảm mạnh, đây là cơ sở để khẳng định kỳ thi được tổ chức tốt hơn.
Trong khi đó, Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, số lượng thí sinh vi phạm quy chế năm nay giảm khẳng định kỳ thi đã tổ chức an toàn.
Một kỳ thi không thể có chữ tuyệt đối, Đại học Bách khoa Hà Nội yên tâm về độ tin cậy với các thí sinh tham gia và có cơ sở xét tuyển vào đại học.
Ngân hàng đề thi theo hướng chuẩn hóa
Giải đáp chung các câu hỏi về chất lượng đề thi, tại buổi họp báo ông Sái Công Hồng - Cục phó Cục Quản lý chất lượng giáo dục cho biết sự tranh cãi của dư luận về đề thi quốc gia sẽ được ban đề thi lưu ý, rút kinh nghiệm để đề thi ngày càng tốt hơn.
Theo đó, để xây dựng mã đề thi cho kỳ thi năm nay, Bộ chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa, sẽ chia ra thành các giai đoạn và thử nghiệm với học sinh lớp 12.
Nói lại về quá trình xây dựng đề thi, ông Hồng nhấn mạnh: "Tất cả đề thi này được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. Qua quá trình này biết độ khó dễ qua thực tế chứ không phải cảm nhận".
Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5, Bộ chọn mẫu 5 tỉnh với 20.000 học sinh lớp 12 để thí nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó giữa các đề thi.
Với các đề thi trắc nghiệm khách quan thì có 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc nhưng trong quy chế không có 4 đề gốc chỉ quy định mỗi thí sinh có 24 mã đề và mỗi phòng không quá 24 thí sinh.
Mỗi đề thi có 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao… Hội đồng thi sẽ rút các câu hỏi trong ngân hàng ma trận đề, trên cơ sở đó chọn đề thi gốc để đọc và thẩm định.
Đề thi trắc nghiệm trung học phổ thông quốc gia có sự chuẩn hóa theo kinh nghiệm của Mỹ - nơi đã có nhiều kinh nghiệm làm thi trắc nghiệm. Vì vậy, việc hoàn thiện cách làm sẽ không thể trong một sớm, một chiều.
Ông Sái Công Hồng cho biết chỉ có thể so sánh độ vênh của toàn đề thi với nhau chứ không thể so sánh độ vênh của các câu hỏi, điều này là khập khiễng.
Chỉ khi phân tích điểm trung bình của mã bài thi sau khi có kết quả mới có thể chứng minh được về độ khó của các đề thi khác nhau có tương đương hay không.
Theo ông Hồng, có một sự khác biệt trong xây dựng ngân hàng đề thi của Bộ và quốc tế, đó là "họ không công bố đề trắc nghiệm, còn ta công bố đề".
Khi báo giới đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề một số chuyên gia, thầy cô cho rằng có sai sót khi sử dụng từ “thấu cảm” trong đề thi Ngữ văn, tuy nhiên, ông Sái Công Hồng khẳng định không sai trong đề thi Ngữ văn.
Thừa nhận sai sót, đính chính đề thi Vật lý
Giải thích về việc đề thi Vật lý có tới 7 mã đề bị sai và phải đính chính, ông Sái Công Hồng giải thích như sau: "Chúng tôi chỉ có 8 ngày để chuyển đề chính thức đi rồi rà soát đề chính thức và làm đề dự bị.
Trong quá trình rà soát thì phát hiện có lỗi ký tự. Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo một số sở đã bắt đầu in sao, yêu cầu dừng đề Vật lý. Đính chính không phải đọc mà gắn vào đề thi cho các em. Nó nằm ở phần cuối cùng của đề thi 36-39.
Chúng tôi cũng ghi rõ đính chính là một phần của mã này, gửi đến tay của từng thí sinh chứ không phải đọc hay viết lên bảng".
"Kỳ thi có độ tin cậy"
Khẳng định với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục nhấn mạnh: "Chúng ta có cơ sở để đảm bảo kỳ thi có độ tin cậy.
Bởi lẽ, các điểm thi rõ ràng an toàn, không có lộn xộn. Việc tổ chức các bài thi trắc nghiệm đã triệt tiêu động lực của các em trong tiêu cực. Các em muốn mang tài liệu vào chỉ có thể mang cả sách vào, và thời gian thi ngắn không đủ để quay cóp".
Theo ông Trinh, việc sử dụng công nghệ cao để gian lận không phải câu chuyện mới mà các năm trước đã có, lực lượng công an phối hợp hướng dẫn cán bộ trong việc cảnh giác, phát hiện các thiết bị gian lận.
"24 học sinh trong một phòng thi và có 2 giám thị, nếu giám thị làm hết mình thì hoàn toàn có thể nắm bắt được những yếu tố biểu hiện bất thường của thí sinh".
Từ những đợt kiểm tra đi trực tiếp cùng đoàn của Bộ và trao đổi với nhiều đồng nghiệp, ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng đây là kỳ thi có độ tin cậy.
"Chúng ta có giải pháp kỹ thuật là đề thi trắc nghiệm, và mỗi đề có nhiều mã khác nhau, cán bộ trường đại học giám sát.
Các cán bộ coi thi đều nói rằng kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ít có hiện tượng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Việc thí sinh bị kỷ luật ít đã phản ánh đúng thực tế" - ông Sơn nêu dẫn chứng.
Trước một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay khả năng dẫn tới điểm thi sẽ cao và khiến cho các trường đại học khó khăn trong việc xét tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định "khi chưa chấm chưa thể nói được điều gì".
Theo bà Phụng, từ năm 2018 trở đi, điểm sàn sẽ do các trường quy định. Trong đề án tuyển sinh các trường phải cung cấp thông tin về tỉ suất đầu tư cho một sinh viên, tỉ lệ việc làm của sinh viên...
Kỳ thi quốc gia năm 2017 có nhiều đổi mới, diễn ra từ ngày 22 đến 24/6 ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước. Thí sinh thi tất cả các môn bằng hình thức trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Lần đầu tiên có tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và môn Toán thi trắc nghiệm. |
Theo Thùy Linh/Giáo dục Việt Nam