Sinh viên phải thực tế khi đi tìm việc
Nhu cầu về tuyển dụng rất lớn, thị trường lao động đa dạng nhưng sinh viên ra trường lại thiếu chủ động tìm hiểu
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu năm nay, cả nước có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Sinh viên đối mặt nguy cơ thất nghiệp hoặc tìm việc làm “tay trái” ngày càng tăng cao khi mỗi năm có hàng ngàn kỹ sư, cử nhân ĐH ra trường. Ngược lại, rất nhiều sinh viên đã tìm được việc làm lương cao ngay khi còn trên ghế giảng đường nhờ chủ động, tích cực trong quá trình học.
Đi ứng tuyển kiểu “ăn may”
Chia sẻ trong chương trình Tư vấn Định hướng việc làm tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, ông Trần Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam, cho rằng sinh viên phải “thực tế” trong suy nghĩ tìm việc. Những năm đầu mới ra trường, sinh viên nên xác định đi làm là để học hỏi, chọn các công ty có chuyên ngành của mình để nuôi dưỡng kiến thức, kỹ thuật đã được học. Sinh viên cần xác định đây là thời gian học chứ không phải đi làm để kiếm tiền ngay.
Theo bà Trần Thị Vân, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Cargill, sinh viên ra trường cần phải ý thức điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân để bổ sung mặt yếu và phát huy những thế mạnh. Bà Vân kể lại trường hợp “dở khóc dở cười”: Khi yêu cầu kể tên 5 công ty, nhà máy trong lĩnh vực mình học, nhiều sinh viên không nêu được.
“Các nhà tuyển dụng cần sinh viên về kiến thức, kỹ năng, thái độ nhưng không phải chung chung mà là những cái cụ thể nhất. Tìm hiểu thông tin về các công ty mình muốn ứng tuyển là điều tối thiểu mà sinh viên nên trang bị” - bà Vân khuyên.
Nắm bắt được cơ hội từ doanh nghiệp
ThS Hồ Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết để đáp ứng nhu cầu của sinh viên tìm việc và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, hình thức tuyển dụng tại trường ngày càng phổ biến. Để tăng sự cạnh tranh ngay trong chính sinh viên, đồng thời để họ học hỏi và rút kinh nghiệm, mỗi hồ sơ gửi qua doanh nghiệp khi nhận được phản hồi, nhà trường sẽ thông báo lý do trúng tuyển, điểm mạnh hay điểm yếu của hồ sơ.
Với lợi thế trường ĐH ngày càng gắn kết với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thường xuyên về trường để tuyển dụng, tư vấn định hướng nghề nghiệp như hiện nay, nếu sinh viên biết nắm bắt thì đó là cơ hội vô cùng tốt. Ông Trần Tiến cho rằng sinh viên nên tìm hiểu và trực tiếp tham gia ngay các hoạt động của công ty mình dự định vào làm, như hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng... Từ đó, sinh viên sẽ hiểu biết hơn về công ty, tạo lợi thế cá nhân so với các hồ sơ tuyển dụng khác.
“Để có việc làm ngay sau khi ra trường, sinh viên phải có niềm đam mê đối với ngành học, đồng thời tận dụng mọi lợi thế cá nhân nhằm phát huy thế mạnh của mình” - bà Trần Thị Vân nhìn nhận. Theo bà, sinh viên hiện có rất nhiều cơ hội học hỏi cũng như mở mang kiến thức. Rất nhiều công ty sẵn sàng hỗ trợ sinh viên đến thực tập, học việc khi họ đang học năm thứ 2, thứ 3. Sinh viên nên tận dụng các cơ hội này để thêm kinh nghiệm công việc, đồng nghĩa sẽ có thêm điểm cộng trong hồ sơ xin việc.
Nhiều sinh viên có việc làm khi chưa ra trường
ThS Đặng Kiên Cường - Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - khẳng định khả năng sinh viên có việc làm ngay khi còn ở trường ĐH là rất lớn, nhất là những người có sự đam mê ngành nghề từ đầu. Hiện nay, nhà trường rất quan tâm hỗ trợ sinh viên về cơ hội nghề nghiệp, thực hành, thực tập, kết nối với doanh nghiệp tại trường để họ có cơ hội tiếp cận, định hình về công việc. Nhiều sinh viên đã tìm được việc khi chưa ra trường.