Chương trình giáo dục phổ thông mới: Không gộp Lịch sử vào môn KHXH
(Chinhphu.vn) - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số lượng môn học và không tích hợp môn Lịch sử vào môn Khoa học xã hội như dự thảo công bố hồi tháng 8 năm 2015.
Ảnh minh họa
Trong 3 ngày, từ 10-12/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam.
Trước khi Dự thảo được đưa ra xin ý kiến rộng rãi của xã hội, Bộ và Ban soạn thảo Chương trình muốn được tham khảo chuyên gia đến từ các nước có nền GD&ĐT tiên tiến như Anh, Đức, Israel... nhằm hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Tinh thần là Chương trình mới tiếp cận được với quốc tế nhưng vẫn phải mang bản sắc của Việt Nam”.
Mỗi học kỳ không quá 7 môn
Tại Hội thảo, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình mới, đã công bố Dự thảo mới nhất về Chương trình tổng thể. Theo đó, ở cấp tiểu học, các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, có một số hoạt động/môn học được thiết kế thành các học phần và có một số học phần là bắt buộc với tất cả học sinh, một số học phần tự chọn tùy theo từng chương trình giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, cấp học này có môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Hoạt động tự học có hướng dẫn.
Ở cấp THCS, các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lí, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn ở cấp học này là Ngoại ngữ 2.
Như vậy, khác với Dự thảo Chương trình tổng thể được công bố năm 2015, dự thảo lần này không gộp Lịch sử và Địa lý vào thành môn Khoa học xã hội. Cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc nữa. Cụ thể, ở lớp 10, có 11 môn học bắt buộc: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, trong đó mỗi học kỳ không quá 7 môn.
Ngoài ra, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động nghệ thuật và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng là những môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc. Lớp 11 và 12, học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học, tổng số của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần.
Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chỉ ra rằng đa số các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới đều tích hợp các nội dung Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí tự nhiên, Môi trường, Sức khỏe, Con người... tạo thành môn học mới có tên là môn Khoa học. Đây là mức độ tích hợp cao nhất, xuyên suốt cả cấp học. Ở lớp 1, 2 thường tích hợp các nội dung của cả Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thành môn học mới.
Ở cấp THCS, hoặc tích hợp nội dung của các môn học thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên thành môn học mới hoặc không. Một số nội dung môn Vật lí, hóa học, Sinh học còn được tích hợp thành chủ đề tự chọn ở cuối cấp THCS hoặc loại bỏ những nội dung trùng lặp, khai thác sự hỗ trợ giữa các môn.
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục đề xuất về lâu dài, Việt Nam nên xây dựng nội dung tích hợp theo xu hướng các nước phát triển. Đó là cấu trúc nội dung môn Khoa học thông qua hệ thống các chủ đề tích hợp như: Vật chất, năng lượng, khoa học về sự sống, khoa học trái đất, môi trường... xuyên suốt các lớp. Có thể tích hợp Lịch sử, Địa lí và một số nội dung khác thành môn Xã hội. Cấu trúc nội dung tương tự như cấu trúc môn Khoa học.
Để quan điểm trên được triển khai có hiệu quả, nhóm nghiên cứu cho rằng cần tính đến những khó khăn khi tổ chức dạy học tích hợp. Khó khăn lớn nhất là chuẩn bị đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở THCS và THPT. Với giai đoạn đầu, khi vẫn chấp nhận các mạch nội dung kiến thức theo từng môn truyền thống thì mỗi trường THCS cần chọn và bồi dưỡng một số giáo viên về nội dung và phương pháp dạy học các chủ đề này. Song, về lâu dài, cần có chiến lược đào tạo giáo viên có thể dạy được các môn tích hợp.
Ngoài ra, trong một cuộc làm việc với các trường sư phạm hôm 7/1 mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới thì lượng giáo viên THPT sẽ dôi dư khá lớn do số môn học giảm xuống.
Từ đó, Bộ trưởng Nhạ cũng đã đặt hàng cho các trường sư phạm tính toán xây dựng chương trình nhằm đào tạo lại số lượng giáo viên dôi dư này để sử dụng cho các cấp học khác.
Theo Hoàng Lâm (tổng hợp)/Chinhphu.vn