Thêm cơ hội cho thí sinh
(Chinhphu.vn) - Việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng là kết quả của quá trình tiếp thu đề xuất của thí sinh và phản ánh của dư luận trong 2 năm qua. Điều này tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích.
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long
Năm 2017, Bộ GD&ĐT quyết định cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Với quy định này, các trường sẽ có cơ sở dữ liệu ban đầu tham khảo để chủ động xác định phương thức, kế hoạch tuyển sinh phù hợp. Về phương diện kỹ thuật, trên cơ sở hệ thống dữ liệu ĐKXT ban đầu đã được nhập liệu, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trực tuyến nhanh gọn, chính xác, không phải vất vả gửi phiếu điều chỉnh nguyện vọng qua bưu điện hay đến nộp tại trường.
Thêm cơ hội cho thí sinh
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long cho rằng khi ban hành quy định này, Bộ GD&ĐT muốn tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích. Trước đây, thí sinh chỉ được ĐKXT vào 2 trường, trong khi có nhiều trường cùng đào tạo một ngành hoặc một số ngành tương tự nên có không ít thí sinh mất cơ hội vào được trường/ngành mình yêu thích dù đủ điểm.
Theo ông Phú, vài năm gần đây, các thí sinh đã có ý thức hơn khi chọn ngành, chọn trường. Quy chế năm 2016 cho phép đăng ký 4 nguyện vọng trong đợt 1, nhưng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký trung bình chỉ khoảng 2,5 nguyện vọng. Điều này cho thấy các thí sinh đã có mục tiêu rõ ràng hơn, suy nghĩ, cân nhắc kỹ hơn khi đăng ký nguyện vọng vào ngành, trường mà mình yêu thích chứ không đăng ký vào bất cứ ngành, trường nào.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, để hỗ trợ kỹ thuật cho việc thực hiện quy định này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Cổng Thông tin tuyển sinh hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh. Vì vậy, các trường có thể khai thác thông tin tổng thể từ hệ thống này, đưa danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến lên cổng thông tin tuyển sinh để hệ thống chạy tự động, giúp trường loại bỏ những nguyện vọng thấp của những thí sinh được dự kiến trúng tuyển ở nhiều trường.
TS. Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
Không lo “ảo”
Đánh giá về độ tin cậy của phương án sử dụng CNTT mà Bộ sẽ sử dụng trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, PGS.TS Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng Đại học Đại Nam cho rằng việc lo lắng đăng ký nhiều nguyện vọng gây ra tình trạng “ảo” là không cần thiết vì chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được bằng công cụ tin học để loại trừ. Với phần mềm thống kê nguyện vọng thí sinh trên cơ sở dữ liệu, có thể lọc nguyện vọng “ảo” hiệu quả.
Ông Phức cũng tỏ ra thận trọng: “Tất nhiên, không thể nào tránh khỏi giai đoạn đầu có việc nọ, việc kia nhưng không phải vì thế mà không làm. Mặt khác, việc tăng số nguyện vọng làm cho quyền được lựa chọn của thí sinh tăng lên. Điều này cho thấy Bộ vẫn thực hiện nhất quán quan điểm tạo mọi thuận lợi cho thí sinh được chọn đúng ngành nghề mình yêu thích để theo học”.
Còn theo TS. Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), việc không giới hạn nguyện vọng sẽ liên quan đến phần mềm xử lý tuyển sinh.
"Thí dụ, phần mềm do Đại học Thăng Long xây dựng chạy thử sau 20 phút cho ra kết quả 1 triệu thí sinh, xếp theo đúng nguyện vọng. Thí sinh có thể đăng ký 10 hay 20 nguyện vọng nhưng theo thứ tự thì phần mềm sẽ chốt ở nguyện vọng thí sinh trúng tuyển. Như vậy, sẽ làm thỏa mãn cả thí sinh và các trường, tiết kiệm công sức, thí sinh không phải đăng ký đi, đăng ký lại và không lo chuyện ảo", TS. Lê Viết Khuyến phân tích.
Do đó, theo TS. Lê Viết Khuyến, các trường nên tin tưởng vào phương án sử dụng CNTT của Bộ vì hệ thống mạng năm 2016 đã chạy tốt, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Với kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo hơn sau một năm, chắc chắn Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ triển khai tốt công tác xét tuyển năm nay.
Không lo nghẽn mạng
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long cho rằng, tình trạng nghẽn mạng khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến sẽ khó xảy ra vì không phải tất cả các thí sinh đều có nhu cầu điều chỉnh và cùng lúc điều chỉnh.
Một số thí sinh có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng thông tin có thể dồn vào ngày cuối cùng của thời hạn điều chỉnh đăng ký xét tuyển. Nhưng sẽ có không ít thí sinh tự tin, biết tính toán, không để thời điểm cuối cùng mới điều chỉnh. Tuy nhiên, về kỹ thuật, vẫn phải chuẩn bị ở mức cao nhất để đáp ứng yêu cầu của thí sinh.
Để tránh tình trạng thí sinh chưa suy nghĩ chín chắn đã thay đổi nguyện vọng dẫn đến phải thay đổi nhiều lần, Quy chế nên quy định “thí sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định”, có nghĩa là một khi thay đổi nguyện vọng được hệ thống chấp nhận thì thí sinh không được thay đổi nữa.
Theo Hoàng Lâm/Chinhphu.vn