Bỏ “điểm sàn”: Các trường tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu vào
(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi đã có những trao đổi ban đầu về dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến góp ý ngày 16/12.
Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi Nguyễn Quang Kim.
Theo ông Kim, điểm mới của năm 2017 mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo là Bộ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để giúp các trường ĐH thống kê nguyện vọng của thí sinh, lọc danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Các trường không cần phải tuyển sinh theo nhóm, mà có thể tuyển sinh độc lập theo nguyện vọng của các trường.
Cũng có ý kiến băn khoăn việc đưa thông tin xét tuyển của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT là mất quyền tự chủ của các trường. Ông nghĩ sao?
Đây là giải pháp tốt. Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chấp nhận “sai số” khoảng vài phần trăm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường để các trường tự điều chỉnh. Tôi nghĩ, uy tín của trường là quyết định tất cả. Nên tôi ủng hộ việc có Cổng thông tin tuyển sinh để giúp các trường lọc "ảo". Còn sau đó, các trường sẽ điều chỉnh tiếp.
Vậy việc thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn sẽ ảnh hưởng đến các trường như thế nào, thưa ông?
Cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng là để các em thoải mái lựa chọn cơ hội trúng tuyển. Bởi thực chất, mỗi thí sinh chỉ có vài nguyện vọng mà các em đã xác định từ trước. Còn bản chất, điểm trúng tuyển sẽ trượt từ nguyện vọng cao xuống nguyện vọng thấp. Trong đó, ưu tiên cao nhất là nguyện vọng 1.
Điểm mới của dự thảo năm nay là bỏ “điểm sàn” khiến dư luận lo lắng về tình trạng “vét” thí sinh của một số trường hiện nay. Theo ông, có nên giữ “điểm sàn” không?
Theo tôi, đây là đảm bảo quyền tự chủ của các trường. Bỏ “điểm sàn” thì các trường phải có trách nhiệm lọc chuẩn đầu ra. Các trường phải tự quyết định. Vì nếu trưởng tuyển đầu vào thấp, đầu ra kém, ra trường không ai tuyển dụng thì còn khó khăn tuyển sinh hơn nữa. Các trường phải tính mục tiêu dài hạn chứ không phải chỉ tuyển sinh chộp giật 1-2 năm.
Nhiều trường, như ĐH Thủy lợi năm 2016, xét tuyển đợt 1 không đủ chỉ tiêu cũng không hạ điểm nhận hồ sơ cũng như điểm trúng tuyển, vẫn giữ nguyên điểm xét tuyển để đảm bảo chất lượng đồng đều. Nên tôi nghĩ, “điểm sàn” bây giờ không còn quan trọng. Có những trường “tháo khoán” học sinh vẫn không vào nên không có vấn đề gì phải băn khoăn.
Các trường phải tự cân đối: mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn để xác định chuẩn đầu vào của mình. Chưa kể còn sự đánh giá của xã hội. Ở nước ngoài cũng thế. Đầu ra không có chất lượng, người học không xin được việc thì thậm chí, có cho học bổng người ta cũng không học.
Xin cảm ơn ông!
Phương Nguyên/Chinhphu.vn