Lúng túng ra đề thi trắc nghiệm
Kết quả thi thử theo đề thi trắc nghiệm của học sinh còn thấp trong khi giáo viên chịu rất nhiều áp lực, lúng túng với ma trận ra đề thi trắc nghiệm
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa có hướng dẫn kiểm tra học kỳ I đối với các trường phổ thông. Trong đó, riêng khối 12, các trường biên soạn đề môn ngữ văn theo hình thức tự luận; các môn toán, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân theo hình thức trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Mục đích của việc ra đề là để học sinh (HS) làm quen với đề thi THPT quốc gia sắp tới.
Áp lực và nhiều rủi ro
Dù đánh giá xu hướng đề thi theo hình thức trắc nghiệm là điều cần thiết nhưng nhiều giáo viên (GV) cho rằng với thời gian gấp rút để thay đổi hẳn cách dạy và học khiến không ít người lúng túng, thậm chí rất áp lực. GV một trường THPT tại quận 1 cho rằng dù được các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT TP HCM tập huấn khá kỹ nhưng khó khăn hiện nay là GV vẫn phải tập trung dạy cho kịp chương trình nên rất ít thời gian hướng dẫn cho HS. Qua vài lần thử sức với đề thi minh họa, điều dễ nhận thấy nhất là tốc độ làm bài thi của HS khá chậm do chưa làm quen với dạng đề này bao giờ. Vì vậy, GV rất sợ rủi ro khi ra đề và chấm thi.
Học sinh tại TP HCM đang làm quen với hình thức thi trắc nghiệm
Ảnh: Tấn Thạnh
Thầy Trần Văn Toàn, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie, cho biết ngay khi Bộ GD-ĐT quyết phương án thi trắc nghiệm và đề minh họa, tổ toán đã lên phương án cho HS làm quen với dạng đề thi này. Các GV trong tổ chuẩn bị tài liệu với các đề thi khác nhau để phát cho HS làm thử.
Từ thực tế nghiên cứu, soạn thảo câu hỏi, thầy Toàn cho rằng soạn thảo một tài liệu trắc nghiệm vô cùng vất vả. Không những HS chưa quen mà nhiều thầy cô cũng thế. Muốn có một đề trắc nghiệm phải có ma trận đề rõ ràng, chi tiết để nắm bắt độ khó, dễ của từng câu hỏi. Nó khác với đề tự luận vì số lượng câu hỏi của một đề trắc nghiệm nhiều, dẫn đến việc khó quản lý mức độ từng câu và toàn bộ đề thi. Điều khiến nhiều GV lấn cấn nhất là để đánh giá một câu hỏi khó hay dễ ở mức độ nào trong đề trắc nghiệm hiện còn rất khó nhận diện. Một đề trắc nghiệm đòi hỏi 4 mức độ đánh giá là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
“GV băn khoăn là ở chỗ chủ quan của người ra đề, có thể với GV này thì câu hỏi ở mức vận dụng khá nhưng GV khác hoặc HS lại chỉ đánh giá ở mức trung bình. Do đó, để phân tích một câu hỏi ở mức độ nào phải có quá trình thực nghiệm mới chính xác được trong khi thời gian không có nhiều để GV và HS thực hành” - thầy Toàn nói.
Khó đạt điểm cao
Nhiều trường THPT đã tiến hành cho HS làm bài thi thử, tuy nhiên kết quả đạt được đều thấp hơn năm trước do lúng túng với hình thức thi mới.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết do việc làm bài trắc nghiệm của HS chưa quen nên có những kết quả chưa thực sự vừa ý. Riêng môn sử, theo đề thi minh họa của bộ thì có đến 4 phương án trả lời a, b, c, d nhưng trước giờ câu hỏi của các môn xã hội có thể chỉ cần dùng 2 phương án là đúng, sai hoặc xây dựng “mồi nhử” để chọn đáp án. Tuy nhiên, hiện nay ma trận đề rất mông lung.
“Tại trường, các GV gấp rút chia nhau soạn câu hỏi trắc nghiệm, nếu câu nào trên 50% HS làm được thì được chọn rồi tổng hợp lại thành đề để HS làm thử. Thời gian quá gấp rút, thêm nhiều công đoạn, có những câu hỏi cũng không biết hợp lý hay không, có thể nó phù hợp với HS trường mình nhưng với HS trường khác có phù hợp hay không? Điều may mắn của trường là có phần mềm chấm thi trắc nghiệm từ ĐHQG Hà Nội nên khả năng rủi ro ít xảy ra” - thầy Du nói
Theo thầy Trần Văn Toàn, Trường THPT Marie Curie đã tổ chức cho từng lớp khối 12 làm thử các đề và thực tế nảy sinh là học trò còn lúng túng trong thi trắc nghiệm. Còn GV thì rất lúng túng trong việc ra một đề thi trắc nghiệm thế nào cho hiệu quả, có tính khái quát cao. Theo thầy Toàn, vừa qua, khi cho HS làm thử đề thi có các câu hỏi sát với đề minh họa của bộ thì số em đạt điểm cao rất ít, chỉ một số đạt 8 điểm, số điểm dưới trung bình khá nhiều, khoảng điểm 5-6 chiếm đa số.
Cẩn trọng với đáp án Thầy Trần Văn Toàn cho biết đối với đề thi trắc nghiệm, việc ra đề thi và các phương án trả lời phải hết sức thận trọng. Các phương án trả lời trong một câu hỏi phải cùng một hình thức, một mặt kiến thức. Nếu 4 phương án khác hẳn nhau thì thành 4 câu riêng biệt. “Nhiều HS đưa tôi xem một số đề thi hiện nay đang loan truyền trên mạng thì thấy không chuẩn xác lắm, ngay cả đề thi minh họa của bộ, câu dẫn của đề vẫn còn nặng hình thức tự luận” - thầy Toàn nói. |
ĐẶNG TRINH/Chinhphu.vn