Điểm bán thực phẩm an toàn: Cung chưa đủ cầu
Khi tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn đang là nỗi lo của các bà nội trợ, những người có điều kiện lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình là mua thực phẩm trong hệ thống siêu thị hoặc cửa hàng rau an toàn với mong muốn có nguồn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, nếu tính đến thời điểm hiện tại, các điểm cung ứng thực phẩm an toàn còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.
Còn thiếu những điểm bán rau an toàn như thế này
Cần nhiều điểm bán thực phẩm an toàn
Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tồn tại trên thị trường đang là mối lo ngại của không ít gia đình. Chị Nguyễn Thị Cẩm, nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết: "Các loại thực phẩm, rau, quả được kiểm soát tốt về chất lượng vẫn chưa có nhiều địa chỉ để người tiêu dùng tìm đến. Người nội trợ chúng tôi cần những điểm bán thực phẩm sạch, đáng tin cậy nhưng tiếc rằng, những nơi này còn rất ít. Vì lợi nhuận cá nhân, những người bán hoàn toàn có thể "qua mặt" người tiêu dùng một cách dễ dàng”.
Cũng như nhiều người nội trợ khác, chị Trần Thị Vân Thanh, ở khu phố 1, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước chia sẻ: "Hiện nay, hầu như cách để nhận biết, lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn chỉ là qua mắt nhìn và theo cảm tính. Không có gì bảo đảm chắc chắn đó là thực phẩm an toàn, bởi đâu đâu hàng giả, hàng nhái cũng có mặt. Bây giờ, ai đi mua sắm đều rất lo sợ, rau thì bị phun thuốc kích thích, cá thì ướp phân urê, thịt thì sử dụng những chất tạo nạc, chất làm tươi mới,... Nếu mỗi chợ chỉ cần 1, 2 điểm bán thực phẩm an toàn thì chúng tôi rất an tâm".
Sơ chế đóng gói rau an toàn tại HTX Phước Hòa
Một khó khăn, vướng mắc khác cho thấy, nhiều tiểu thương cũng không nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mà mình đang bán và nó có bảo đảm an toàn hay không? Chị Lê Thị Thùy Dương, bán rau, củ, quả ở chợ Thuận Đạo, huyện Bến Lức cho biết: "Để bảo đảm các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân, tôi nghĩ, các ngành chức năng nên thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành, chuyên ngành tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm được bày bán ở chợ như thịt, cá, rau, củ, quả,... trong đó, đặc biệt chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất,... nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và giúp tiểu thương kinh doanh một cách công bằng. Chúng tôi không vì lợi nhuận trước mắt mà buôn bán những mặt hàng không an toàn, nhưng thật sự, chúng tôi cũng không có thẩm quyền, điều kiện để kiểm soát sản phẩm nào an toàn hay không an toàn".
Cung - cầu chưa gặp nhau
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh cho biết: "Để sản xuất rau an toàn, xã viên phải đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất rau, quả an toàn như xây dựng nhà sơ chế với diện tích 150m2, quạt, máy sục ozone,... với kinh phí vài trăm triệu đồng. Những chi phí này khiến cho sản phẩm rau an toàn có giá thành cao hơn so với những mặt hàng rau không minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ. Trong khi đó, từ khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX chúng tôi chỉ ký được vài hợp đồng tiêu thụ với đối tác với số lượng không nhiều. Tất cả các loại rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đều chấp nhận bán trôi nổi trên thị trường như các loại khác”.
Ông Nguyễn Văn Tiện, ở ấp Long Giêng, xã viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp chia sẻ: "Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng với mong muốn tăng năng suất, nâng cao thu nhập và quan trọng hơn cả là lương tâm vì sức khỏe cộng đồng, người trồng rau trong xã vẫn luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn như: Đất không được tồn dư hóa chất độc hại; nguồn nước tưới bảo đảm không ô nhiễm; sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho rau; sử dụng phân hóa học bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau và kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày;... Đó là một trong những khó khăn khi cạnh tranh. Vì vậy, mặc dù địa phương có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định trở thành "nút thắt" gây khó khăn cho HTX và các nông hộ nơi đây".
Một thực tế đáng băn khoăn hiện nay là trong khi, các cơ sở sản xuất rau an toàn vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì hầu hết người tiêu dùng lại đang cho rằng khó tiếp cận với rau an toàn. Nếu tính các địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn hiện nay trên địa bàn tỉnh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Người tiêu dùng rất lo lắng trước thực trạng thực phẩm bán tràn lan
Theo ghi nhận thực tế, các điểm bán thực phẩm an toàn còn quá ít so với nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng về nguồn hàng thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ, tự phát vẫn chưa quyết liệt. Do đó, đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn luôn phải tự cảnh giác, nhất là những sản phẩm không có tem mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sáng suốt lựa chọn những sản phẩm an toàn cho sức khỏe của mình và gia đình.
Chị Trần Thị Nhiều, nhân viên bán hàng của Cửa hàng rau an toàn Phước Hòa tại chợ phường 2, TP.Tân An cho biết: "Điểm bán rau an toàn từ khi khai trương đến nay rất thu hút các bà nội trợ bởi mua rau cải ở đây bảo đảm an toàn. Mỗi ngày, cửa hàng có doanh thu bình quân gần 1 triệu đồng. Tôi nghĩ, nếu có nhiều điểm bán như vầy thì sẽ thuận tiện cho người nội trợ vì họ yên tâm về chất lượng sản phẩm".
Hiện nay, các điểm bán thực phẩm an toàn còn rất ít, nguồn về thực phẩm vẫn chưa được quản lý theo chuỗi, từ khâu nuôi trồng đến chế biến, lưu thông, cung ứng và tiêu dùng. Do đó, các mặt hàng thực phẩm trôi nổi trên thị trường chưa thể quản lý được nguồn gốc, nguyên liệu đầu vào và từ đó chưa bảo đảm an toàn cho sản phẩm thực phẩm đầu ra. Mặt khác, chưa bảo đảm trật tự, vệ sinh trong kinh doanh thực phẩm tại các chợ.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: "Thời gian qua, đơn vị chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Tuy nhiên, hầu hết mô hình, HTX, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn đều chưa tìm được đầu ra ổn định, mà nguyên nhân là do chưa liên kết được với đơn vị tiêu thụ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thực phẩm an toàn chưa gần với người tiêu dùng".
Mặt khác, do đặc thù của thị trường, hiện các loại rau, củ, quả chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống chợ truyền thống từ những người bán hàng nhỏ, lẻ. Đây là đối tượng phân phối chủ yếu sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhưng trên thực tế, khi tiếp cận với kênh phân phối này thì gặp phải rào cản cả từ người bán lẫn người mua.
Có thể thấy, một khi nhu cầu khá cao nhưng mạng lưới cung cấp chưa hình thành thì bài toán đầu ra cho các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn vẫn chưa thể có lời giải. Và tình trạng người mua không tìm được sản phẩm sạch, còn người bán thì không tìm được người mua tiếp tục diễn ra./.
Theo Hoàng Lê/Báo Long An