Trường mầm non thị trấn Cần Đước: Trẻ học qua những trải nghiệm thực tế
Thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, Trường Mầm non thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An áp dụng nhiều phương pháp dạy hay giúp trẻ phát triển đầy đủ các kỹ năng cần thiết ở lứa tuổi mầm non.
Trẻ tham gia hoạt động chuẩn bị đất, gieo hạt giống
Cũng như các trường mầm non khác, tất cả các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ luôn được thực hiện theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, trong các hoạt động, trẻ luôn là thành phần quan trọng tự tìm tòi, khám phá nhiều kiến thức mới thông qua những câu hỏi, gợi ý của giáo viên hoặc trẻ tự quan sát. Tuy nhiên, để phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả, Trường Mầm non thị trấn sử dụng nhiều cách để trẻ tiếp cận kiến thức mới. Trong đó, trẻ học qua trải nghiệm thực tế đạt hiệu quả cao.
Trong các hoạt động học và chơi của trẻ, tùy theo nội dung, chủ đề học, giáo viên cho trẻ quan sát vật thật hay thực hành để trẻ nhận biết đúng về các vật thật đó mà không phải hình dung như qua các đồ dùng dạy học thay thế như trước đây. Một trong những chủ đề mà trẻ có thể học bằng vật thật là thực vật, động vật hay thực hành nấu ăn, cắm hoa,... Nhờ những hoạt động này, trẻ dễ dàng đưa ra những nhận xét khi quan sát vật thật và lớp học của trẻ cũng sôi động, hứng thú hơn.
Gắn với từng chủ đề học, giáo viên còn lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Trong đó, giáo viên dạy trẻ những kiến thức liên quan đến những vật thật mà trẻ quan sát như những đặc tính, tầm quan trọng, cách bảo vệ, ưu, khuyết điểm của vật thật đó.
Trẻ tham gia hoạt động nấu ăn trong lớp
Không chỉ cho trẻ trải nghiệm các vật thật thông qua các hoạt động dạy học trong lớp, trường còn thường xuyên cho trẻ học và chơi ở không gian mở ngoài phạm vi lớp học. Mỗi ngày, trẻ được ra sân trường tham gia các hoạt động thể dục, trò chơi ngoài trời nhằm phát triển thể chất, cải thiện chiều cao, cân nặng. Ngoài ra, trẻ còn được tham gia quan sát và chăm sóc vườn rau, bồn hoa của trường. Những việc trong khả năng, giáo viên hướng dẫn trẻ thực hiện như nhặt rác, tưới cây, nhặt những lá úa vàng,...
Mỗi năm, vào các dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 hoặc dịp Tết Nguyên đán, trẻ được tham quan vườn rau, vườn hoa và tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Trẻ cũng được các chú bộ đội thăm hỏi, trò chuyện và kể về truyền thống lịch sử. Nhờ vậy, nguồn kiến thức thực tế của trẻ phong phú hơn. Trẻ cũng phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử và mạnh dạn, tự tin hơn.
Trẻ tham quan vườn rau tại Huyện đội
Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn - Nguyễn Thị Phương Trúc cho biết: "Với những kiến thức thực tế, trẻ không chỉ hứng thú trong quá trình học mà còn khắc sâu kiến thức, các kỹ năng cần thiết cũng vì thế mà phát triển theo. Có thể nói, cho trẻ học qua trải nghiệm thực tế là một trong những phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả. Hiện nay, nhà trường tiếp tục phát huy phương pháp giáo dục này, áp dụng với nhiều hoạt động, giúp trẻ tăng khả năng hiểu biết và phát triển tốt nhất các kỹ năng"./.
Theo Ngọc Sương/Báo Long An Online