Trường ĐH thiếu thí sinh: Vì đâu?
Nhiều người lý giải năm nay, việc các trường ĐH, kể cả trường “danh giá”, tuyển thiếu chỉ tiêu là do thí sinh ảo song có nhiều nguyên nhân cốt yếu đã được báo trước về hiện tượng chưa từng có này
Mùa tuyển sinh ĐH năm nay đã xảy ra một hiện tượng chưa từng có: Các trường không tuyển đủ chỉ tiêu dù là trường tốp trên, tốp giữa hay tốp dưới. Phần lớn ý kiến lý giải đều cho rằng do quy chế cho phép thí sinh được nộp hồ sơ ở 2 trường, mỗi trường được đăng ký 2 nguyện vọng nên dẫn đến tỉ lệ ảo cao. Theo chúng tôi, việc tỉ lệ đăng ký ảo chỉ là lý do bề mặt, còn lý do sâu xa lại nằm ở những vấn đề căn bản hơn.
Trường ĐH ngày càng nhiều, học sinh THPT ngày càng ít
Trước hết là số lượng trường ĐH hiện quá nhiều. Quả vậy, việc bùng nổ số lượng trường ĐH thời gian qua cho thấy một thực tế là cả phía cấp phép lẫn phía xin phép thành lập trường đã không có tầm nhìn xa, thiếu khả năng dự đoán những biến đổi trong đời sống xã hội tương lai.
Hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại một trường ĐH ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Một trong những điều cần phải nhận biết là với nền kinh tế ngày càng phát triển do quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trình độ dân trí sẽ ngày càng nâng cao, tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động sẽ càng nhiều thì một trong những hệ lụy là tỉ lệ sinh sản sẽ ngày càng giảm. Khi tỉ lệ dân số ngày càng giảm thì điều hiển nhiên là số lượng học sinh cũng giảm theo và vì vậy, số người có thể vào học ĐH cũng sẽ giảm.
Hiện tượng này đã và đang thể hiện rõ qua số liệu học sinh bậc học THPT tại nước ta đang có chiều hướng giảm theo từng năm. Cụ thể, năm học 2007-2008 có 3.070.023 học sinh THPT, năm học kế tiếp giảm xuống còn 2.951.889 em và đến năm học 2012-2013 thì chỉ còn 2.675.320. Nhìn vào biểu đồ bên trên, chúng ta thấy rõ số lượng học sinh đang đi theo xu hướng giảm và xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục duy trì trong tương lai.
Bên cạnh đó, với điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện, nhiều phụ huynh sẽ có xu hướng cho con đi học nước ngoài. Như vậy, trong tương lai sẽ có nhiều chỗ ngồi trong giảng đường ĐH hơn là số học sinh tốt nghiệp THPT. Điều này sẽ dẫn tới việc nhiều trường sẽ phải đóng cửa hoặc phải sáp nhập.
Mặt khác, trong vài năm gần đây, tỉ lệ người tốt nghiệp ĐH rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải làm những công việc không tương xứng với trình độ đã khiến nhiều bậc phụ huynh không muốn đầu tư cho con vào ĐH nữa. Thay vào đó, họ muốn con mình chuyển sang học nghề với khả năng có việc làm cao hơn.
Sáp nhập trường ĐH?
Như vậy, theo chúng tôi, điều cần thiết trước tiên là cơ quan quản lý giáo dục phải rà soát lại mạng lưới các trường ĐH trên cả nước. Nếu cần, phải sáp nhập các cơ sở đào tạo yếu kém, giống như việc sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng mà chúng ta đang làm.
Đây là điều mà một số nơi trên thế giới đã và đang làm, chẳng hạn Xứ Wales. Năm 2013, chính phủ nước này đưa ra chính sách sáp nhập các trường ĐH còn 6 hoặc 7 trường (hiện Xứ Wale có 11 trường ĐH). Việc sáp nhập này nhằm giúp giáo dục ĐH “dù ít trường hơn nhưng mạnh hơn”, tăng chất lượng đào tạo, tăng tính cạnh tranh cho nguồn nhân lực, thúc đẩy sự sáng tạo nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế.
Tại Đài Loan, năm 2012, Bộ Giáo dục đã quyết định sáp nhập 6 trường ĐH lại còn 3 do tỉ lệ sinh sản tại đảo quốc này ngày càng giảm và trường bị sáp nhập chỉ có dưới 10.000 sinh viên. Mục tiêu của việc sáp nhập là tập trung nguồn lực con người lẫn vật chất để gia tăng chất lượng đào tạo nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Tại nước ta, dường như cơ quan quản lý chỉ chú trọng đuổi theo thế giới về tỉ lệ sinh viên/vạn dân hơn là chú ý đến khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực trên thị trường lao động, cũng như uy tín bằng cấp của Việt Nam. Do đó, có lẽ chúng ta cần ít trường ĐH hơn nhưng mỗi trường có đủ nguồn lực để bảo đảm được chất lượng đào tạo. Chúng ta không cần nhiều trường nếu năng lực, khả năng đào tạo chỉ ở mức làng nhàng do nguồn lực bị phân tán. Điều này sẽ đưa đến sự mất giá của bằng cấp ĐH của chúng ta cũng như hạn chế khả năng hội nhập nền kinh tế tri thức của nguồn nhân lực trong tương lai. Khi số lượng trường ĐH giảm xuống thì chất lượng nguồn tuyển cũng sẽ tăng lên, hy vọng nhờ đó mà chất lượng đào tạo cũng tăng theo.
Số lượng học sinh trung học phổ thông qua các năm
Nguồn: Thống kê giáo dục năm 2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo
Theo Lê Minh Tiến/www.nld.com.vn