Cục khảo thí lý giải điểm thi ngoại ngữ miền núi cao hơn thành phố
(GDVN) - Theo bảng thống kê do trường Đại học FPT thực hiện cho thấy kết quả thi ngoại ngữ ở kỳ thi THPT quốc gia 2016 của một số tỉnh miền núi lại cao hơn thành phố.
Theo một thống kê do trường Đại học FPT thực hiện dựa trên phổ điểm của thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho thấy học sinh ở các tỉnh miền núi có điểm trung bình môn ngoại ngữ cao hơn so với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Cụ thể, mức điểm trung bình môn ngoại ngữ tại Lào Cai là 4,4 điểm; tỉnh Cao Bằng (4,2), Đăk Nông (4,16) và Lai Châu (4,16).Trong Khi đó TP.Hồ Chí Minh chỉ xếp thứ 5 với mức điểm 4,11; đặc biệt Hà Nội xếp thứ 13 với mức điểm là 3,56, Đà Nẵng là 3,53…
Phổ điểm môn Tiếng Anh năm 2016 do Bộ GD&ĐT cung cấp.
Trong khi, theo số liệu thống kê của Đề án ngoại ngữ 2020, đến tháng 7/2015, bậc THPT có số giáo viên chưa đạt chuẩn cao nhất, lên tới 73,88%. Các tỉnh như Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang, Đắc Nông, Đắk Lắk, Sóc Trăng… tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu rất thấp.
Nên với kết quả này khiến nhiều người không khỏi nghi vấn về kết quả môn Ngoại ngữ.
Giải thích điều này với báo chí vào sáng 28/7, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết:
“Con số đó không phản ánh chất lượng môn ngoại ngữ ở các tỉnh miền núi tốt hơn các thành phố lớn.
Tuy nhiên, có một lý do khá hợp lý là: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với học sinh vùng khó khăn, chưa có điều kiện tốt để học môn tiếng Anh, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh có thể sử dụng môn thi thay thế.
Chính vì vậy, hầu hết các em đã dùng môn thay thế để dự thi. Số ít thí sinh ở các vùng này thi ngoại ngữ là các em theo khối D dùng môn thi này để xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Những em này đều đã đầu tư vào học môn ngoại ngữ nên kết quả thi cao là đương nhiên.
Ví dụ như, tại Lào Cai, cả tỉnh có 524 thí sinh dự thi môn tiếng Anh thì đã có 502 em có nhu cầu xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng trong khi đó hầu hết học sinh thành phố đều chọn thi ngoại ngữ kể cả xét tuyển hay không xét tuyển nên điểm trung bình không được chọn lọc”.
Đề cập đến phổ điểm môn ngoại ngữ quá thấp so với các môn thi khác, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga giải thích: Do năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc (không còn tự chọn như các năm trước nữa) trong khi trình độ tiếng Anh của học sinh và trình độ giảng dạy của giáo viên chưa được như mong muốn.
Sau kết quả này, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có hướng điều chỉnh lại cách dạy, cách học để nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, chất lượng môn này không thể một sớm một chiều mà cải thiện ngay được.
Theo Linh Hương/Giáo dục Việt Nam