Thí sinh “chê” xét tuyển vào đại học, cao đẳng?
Thống kê từ Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy, ở kỳ thi THPT quốc gia 2016, số học sinh lớp 12 đăng ký dự thi giảm, nhưng tỷ lệ thí sinh chỉ chọn thi để xét tốt nghiệp THPT cao hơn khoảng 5% so với năm 2015. Như vậy, việc thí sinh “chê” xét tuyển ĐH-CĐ có phải là tín hiệu vui cho công tác phân luồng học sinh THPT đã đạt hiệu quả hay có sự tính toán khác hơn?
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM
Bất ngờ
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 là 800.000 thí sinh (chỉ tính thí sinh là học sinh lớp 12). Còn năm 2015 là hơn 1 triệu thí sinh, trong đó học sinh lớp 12 là hơn 871.000, thí sinh tự do hơn 132.000. Về tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, ở năm 2015 là 279.001 trường hợp; năm 2016 lại tăng lên hơn 292.000 thí sinh (tăng 5% so với năm 2015). Như vậy, dù số học sinh lớp 12 giảm hơn 71.000 thí sinh nhưng tỷ lệ đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp lại tăng.
Thống kê lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh cho thấy Sở GD-ĐT Hà Nội dẫn đầu cả nước khi có đến hơn 76.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Trong đó, số thí sinh đăng ký thi chỉ xét tốt nghiệp THPT có 16.390 (tăng gần 11.000 so với năm 2015), chiếm đến 21,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tại TPHCM, trong số 55.615 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016, có hơn 2.200 thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp (chiếm 3,95%).
Trong khi đó, nhiều địa phương lại có tỷ lệ học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT chiếm đến 70%. Sở GD-ĐT Hòa Bình có 8.100 thí sinh đăng ký dự thi nhưng có trên 5.600 thí sinh đăng ký thi để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ gần 70%), tăng hơn 10% so với năm ngoái. Tương tự ở tỉnh Lào Cai, thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh này cho thấy có hơn 6.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng có 3.199 thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp (chiếm hơn 50%). Ở tỉnh Vĩnh Phúc, nếu năm 2015 số thí sinh thi chỉ đăng ký xét tốt nghiệp chiếm 55%, thì năm nay tăng lên thành 69,1%. Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An có 12.744 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 44%. Số lượng này tăng so với năm 2015. Trong đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường ở vùng sâu vùng xa tỷ lệ thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp lên tới 90% - 100%.
Có phải là tín hiệu vui?
Nhìn vào số liệu trên, Bộ GD-ĐT cho rằng đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh và phụ huynh trong kỳ tuyển sinh năm nay về việc lựa chọn ngành nghề và cấp học phù hợp với năng lực bản thân, cũng như nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy học sinh có chuyển hướng không muốn vào ĐH, CĐ bằng mọi giá mà chỉ cần tốt nghiệp THPT để đi học nghề dễ kiếm việc làm hơn. Cùng quan điểm với Bộ GD-ĐT, nhiều trường THPT cũng cho rằng kết quả này cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về xu hướng thị trường lao động, công tác hướng nghiệp tại các trường THPT ngày càng được chú trọng và có hiệu quả hơn.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại chưa lạc quan và có cái nhìn thận trọng hơn. Theo một chuyên gia tuyển sinh tại TPHCM phân tích: Nhìn một cách cơ học thì đây là xu hướng tích cực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cánh cửa vào ĐH lại dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, khi có hơn 50% các trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng kết quả điểm học bạ 3 năm THPT với điều kiện cần là tốt nghiệp THPT. Điều này có nghĩa là vào ĐH dễ như vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Các em chỉ cần tốt nghiệp THPT là gần như cầm chắc được vào ĐH, CĐ.
Một chuyên gia đào tạo của một trường ĐH tại TPHCM phân tích thêm: Năm nay hầu như tỉnh nào cũng có hai loại cụm thi: cụm thi xét tốt nghiệp do địa phương chủ trì và cụm thi ĐH do các trường ĐH chủ trì (vừa xét tốt nghiệp vừa dùng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ). Vì vậy, không tránh được chuyện tâm lý thí sinh cho rằng cụm thi xét tốt nghiệp coi thi sẽ dễ hơn, nên có tình trạng “vận động” học sinh đăng ký thi ở cụm thi địa phương chủ trì để đảm bảo đậu tốt nghiệp cao. Vị chuyên gia này cũng đưa ra minh chứng là sau 5 năm (2011-2015) thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề chỉ đạt có 53,4% kế hoạch đề ra. Năm 2015, tuyển sinh ở các cơ sở dạy nghề đạt 1.979.199 thí sinh, giảm 4,7% so với năm 2014. Đáng nói hơn là thống kê đến tháng 3-2016, cả nước có đến 225.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp.
Như vậy, rõ ràng tỷ lệ thí sinh “né” cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay “chê” xét tuyển vào ĐH, CĐ chưa hẳn là công tác hướng nghiệp có hiệu quả hoặc thí sinh có xu hướng chọn học nghề. Do đó, chỉ thật sự đáng mừng khi số lượng thí sinh vào các cơ sở dạy nghề tăng lên rõ rệt và chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ ngừng tăng lên theo từng năm như hiện nay.
Theo Thanh Hùng/SGGP Online