Phân dạy chéo ban, giáo viên mệt mỏi, học sinh mất hứng thú học tập
(GDVN) - Học sinh ghét Sử, chán học Giáo dục công dân cũng bắt nguồn không ít bởi nguyên nhân phân dạy chéo ban của Nhà trường.
LTS: Tình trạng giáo viên dạy chéo môn đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều trường học trong cả nước.
Là một người trong ngành, cô giáo Đỗ Quyên đưa ra những bất cập trong việc giáo viên kiêm nhiệm nhiều bộ môn khiến học sinh mất hứng thú học tập.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Giáo viên dạy chéo môn là tình trạng khá phổ biến ở nhiều trường học trong cả nước từ bao năm nay. Có trường do thiếu giáo viên đúng chuyên môn, buộc phải bố trí những giáo viên bộ môn khác kiêm nhiệm thêm.
Giáo viên được phân công giảng dạy chéo ban cũng cảm thấy mệt mỏi vì mất nhiều công sức để soạn bài nếu muốn dạy tốt.
Nhưng có trường lại muốn chia đều tiền dạy tăng tiết cho các giáo viên trong trường nên thường bố trí cho nhiều thầy cô ở bộ môn khác dạy thêm một số bộ môn không đúng chuyên ngành của mình.
Những giáo viên này chấp nhận dạy để có thêm thu nhập. Chính vì kiểu dạy “bắt cóc bỏ dĩa” như thế này nên không chỉ chất lượng học tập của học sinh không đạt còn làm cho các em chán học những bộ môn ấy.
Thực trạng ở một số trường học nếu không xếp dạy chéo ban thì có người dạy không hết tiết, người lại ngồi chơi.
Không ít kiểu phân “tréo ngoe” giáo viên Anh văn mà dạy Sử, dạy Địa, dạy Giáo dục công dân,
giáo viên Thể dục dạy thêm môn Kĩ thuật... (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Nếu ở THPT mỗi giáo viên phải dạy 17 tiết mới đạt tiêu chuẩn nhưng có một số giáo viên chỉ được phân công dạy đúng chuyên môn có 4 tiết, lại có giáo viên phải dạy một tuần đến 30 tiết. Từ thực tế ấy, buộc thầy cô phải kiêm nhiệm những môn dạy không đúng chuyên môn của mình.
Những bộ môn được xếp dạy chéo ban nhiều nhất là môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Kĩ thuật, Sinh học...Theo suy nghĩ của nhiều người, họ thường xem nhẹ những môn học này và cho đó là những môn phụ ai dạy mà chẳng được, chủ yếu là lý thuyết nên không cần đầu tư nhiều.
Vì thế, không ít thầy cô khi được phân công dạy chỉ lên lớp cho học sinh đọc bài, nêu câu hỏi, học sinh trả lời, giáo viên giảng giải sơ qua và đọc phần bài học trong sách hướng dẫn cho các em ghi bài vào vở về học thuộc là được.
Vì không phải chuyên môn chính nên phần lớn những tiết dạy chéo ban không có ai kiểm tra, dự giờ để đánh giá rút kinh nghiệm. Họ thường du di, thông cảm cho nhau nên thầy cô lên tiết dạy cũng với tâm trạng dạy cho hết giờ là đã làm tròn trách nhiệm của mình.
Nếu giáo viên trong tổ tự nhiên môn chính dạy là Toán có thể phân dạy thêm môn Lý, môn Hóa hay giáo viên ở tổ xã hội dạy môn Văn có thể phân dạy thêm môn Sử, Địa ít nhiều môn kiêm nhiệm cũng gần với môn sở trường của mình.
Nhưng không ít kiểu phân “tréo ngoe” giáo viên Anh văn mà dạy Sử, dạy Địa, dạy Giáo dục công dân, giáo viên Thể dục dạy thêm môn Kĩ thuật...
Chẳng thế mà học sinh nào phải học những tiết do những giáo viên này dạy đều than trời theo kiểu: “Cô (thầy) con dạy kiểu gì kì lắm chỉ mở sách ra đọc cho chép bài mỏi tay là xong. Dạy thế con ở nhà đọc sách sướng hơn”. Một học sinh cấp 2 bức xúc trả lời khi được hỏi.
Hay có em nói: “Con ghét học môn Sử, môn Giáo dục công dân vì phải ghi bài nhiều, thầy cô không giảng gì hết”.
Một tiết học chuẩn thời gian 45 phút nhưng những thầy cô dạy chéo ban đôi khi chỉ sử dụng phân nữa thời gian là hết bài vì ngoài những điều đã viết trong sách giáo khoa, họ cũng không biết nói thêm điều gì cả.
Kiến thức bộ môn nghèo nàn, lại ít có sự đầu tư về phương pháp và hình thức tổ chức tiết học nên giờ học thường trôi qua một cách nặng nề và mệt mỏi cho cả thầy và trò.
Nhiều em cảm thấy sợ mỗi khi đến những giờ học ấy bởi: “Sợ bị gọi lên bảng kiểm tra bài cũ mà phải học thuộc từng chữ, lại phải chép bài đến mỏi cả tay”.
Học sinh ghét Sử, chán học Giáo dục công dân cũng bắt nguồn không ít bởi những nguyên do này.
Để học sinh yêu thích môn học, có hứng thú say mê với từng bài học, có sự chờ mong mỗi khi đến tiết thì vai trò của thầy cô giáo là vô cùng quan trọng.
Có được điều này, chính họ phải được phân công giảng dạy đúng chuyên ngành mình đã được đào tạo chứ không phải bị “Bắt cóc bỏ dĩa” như một số trường đang áp dụng hiện nay.
Theo Đỗ Quyên/Giaoduc.net.vn